Đưa Hải quan Việt Nam đạt ngang trình độ các nước phát triển
Cục trưởng Cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phúc Anh

Cấp bách xây dựng hệ thống, thực hiện hải quan số

Ngày 27/3/2025, ông Nguyễn Văn Thọ - Cục trưởng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chủ trì phiên họp bàn việc Ban hành Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Cục Hải quan năm 2025, định hướng 2026 – 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; triển khai Chỉ thị 07/CT-TTg (ngày 14/3/2025) của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, trọng trách đặt ra cho cơ quan hải quan là rất lớn, đảm bảo thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của cả nước với tốc độ kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng 2 con số/năm.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Hai tháng đầu năm 2025, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với tháng trước, tương ứng tăng 13,57 tỷ USD.

Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng như vũ bão của hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, Cục Hải quan xác định nhanh chóng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hải quan, thực hiện hải quan số, không để đứt gãy hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cắt giảm thủ tục hành chính vì người dân, doanh nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan là một trong những mục tiêu cốt lõi được Cục Hải quan cụ thể hóa tại Kế hoạch Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025, định hướng 2026 – 2030.

Hiện tại, Cục Hải quan vận hành 21 hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan. Đến nay, Hệ thống thông quan hàng hoá tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai theo mô hình tập trung với hơn 99,65% doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tham gia, xử lý 99% tờ khai xuất nhập khẩu với hiệu suất vận hành 24/7 ổn định, an ninh, an toàn và hiệu quả.

Hệ thống VNACCS/VCIS hiện có thời gian xử lý nhanh chóng với thời gian xử lý đối với hàng hóa luồng xanh chỉ từ 1 – 3 giây. Tuy nhiên, do hoạt động từ năm 2018 đến nay, VNACCS/VCIS trong tình trạng quá tải và vượt ngưỡng thiết kế, đòi hỏi khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số để thay thế.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu hải quan số, Cục Hải quan xác định phải tập trung thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong tâm mang tích cấp bách trong năm 2025.

Nổi bật là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và xây dựng hoàn thiện văn bản pháp lý, quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

"Vóc dáng" phát triển hải quan giai đoạn 2026 - 2030

Tại phiên họp, với sự chủ trì Cục trưởng Cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, các đơn vị thuộc và trực thuộc đã góp ý vào Kế hoạch Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025, định hướng 2026 – 2030.

Về cơ bản mục tiêu định hướng triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030 là hoàn thành hải quan thông minh.

Theo đó, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan. 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được số hóa. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế, phấn đấu 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan.

Đáng chú ý, thực hiện mô hình hải quan thông minh, doanh nghiệp được hưởng lợi khi 100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan hải quan.

Về mô hình quản lý hải quan thông minh, Cục Hải quan đặt mục tiêu xây dựng theo các xu hướng và chuẩn mực quốc tế đảm bảo ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (như: AI, Big Data, Blockchain, IoT,…) đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Ngoài ra, mô hình hải quan thông minh cũng đảm bảo các mục tiêu, tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện; số hóa chứng từ, hồ sơ, tự động tiếp nhận, trả hồ sơ. Sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước. Đảm bảo an ninh, an toàn cho nền kinh tế và cho cộng đồng trên cơ sở nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan thông qua các tính năng vượt trội của hệ thống quản lý mới, như: tự động phân tích thông tin rủi ro, xác định trọng điểm, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp và quản lý tốt chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất, gia công.

Triển khai nền tảng cửa khẩu số trong năm 2025

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, Cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải đường bộ xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Đồng thời, Cục Hải quan nâng cao khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình nghiệp vụ đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ trên Cơ chế một cửa quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai nền tảng cửa khẩu số.

Trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương nâng cấp Cổng Thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ. Báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với UBND các tỉnh biên giới xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu biên giới đất liền. Xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về chia sẻ thông tin dữ liệu hàng hóa xuất, nhập khẩu để triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc.