Thay mặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Chủ tịch Janet Yellen phát biểu sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của tổ chức này. FED tỏ ra tự tin vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, nhưng điều đó là chưa đủ để họ thực hiện đợt tăng lãi suất lần đầu trong năm 2016. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định FED không tăng lãi suất lần này, nhưng lại tăng nhận định đợt tăng lãi suất có thể diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Trong phiên họp lần này, FED đã hạ dự báo về triển vọng kinh tế và lạm phát trong năm nay. “Thị trường lao động đã tiếp tục được củng cố và các hoạt động kinh tế đã không còn tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng nửa năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn còn yếu. Lạm phát của Mỹ vẫn chưa tăng lên mức mục tiêu 2%”, FED tuyên bố.
Bên cạnh đó, các quan chức của FED cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là về sự giảm tốc tại Trung Quốc và sự kiện Brexit, song trong tuyên bố của FED chỉ điểm qua vấn đề này.
Dù không tăng lãi suất, nhưng tuyên bố lần này của FED đánh dấu sự thay đổi trong kế hoạch tăng lãi suất của FED. Cụ thể, thay vì mục tiêu tăng lên mức 1% đưa ra hồi đầu năm, các quan chức FED giờ đây chỉ dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 0,65%, tức 0,25% so với lãi suất hiện tại.
Trong những năm tới, FOMC dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm 2017, 3 lần trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. Lãi suất dự kiến trong năm 2019 là 2,625% với mục tiêu tăng lãi suất 0,25%/lần.
Riêng năm 2016, FOMC dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,8%, giảm 0,2% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến đạt 4,8%, tăng 1% so với cuộc họp tháng 6. Lạm phát ước tính đạt 1,3%, giảm 0,1% so với dự báo gần nhất trước đó.
Trên thị trường chứng khoán, được cởi bỏ tâm lý với tuyên bố của FED và trước đó là kịch bản chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), nhiều chỉ số chứng khoán đã phản ứng tích cực, ấm lên, nhất là chứng khoán Mỹ.
Kết thúc phiên 21/9, hai chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tiến 0,9%, 1,1% và 1% lên các mức 18.293,70 điểm, 2.163,12 điểm và 5.295,18 điểm. Trong đó, chỉ số Nasdaq chốt phiên ở mức cao nhất trong lịch sử là 5.295,18 điểm, tăng 12 điểm so với mức kỷ lục được thiết lập trước đó ngày 7/9.
Tại châu Âu, các chỉ số FTSE 100 trên sàn London, DAX 30 trên sàn Frankfurt, CAC 40 trên sàn Paris và chỉ số EURO STOXX 50 cũng lần lượt cộng thêm 0,1%, 0,4%, 0,5% và 0,6% lên các mức 6.834,77 điểm, 10.436,49 điểm, 4.409,55 điểm và 2.982,18 điểm./.
D.T (tổng hợp)