Thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ
Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang diễn ra vào ngày 17 - 18/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm trên thị trường tài chính quốc tế, với kỳ vọng rằng cơ quan này sẽ thực hiện việc hạ lãi suất lần đầu tiên, sau chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu từ ngày 17/3/2022.
ABS Research dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản. Việc cắt giảm 50 điểm cơ bản lần này có thể gây xáo trộn mạnh một cách không cần thiết trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, nhất là sau khi đường cong lãi suất đã không còn đảo ngược như trước. |
Trong báo cáo chuyên đề vừa công bố, các chuyên gia Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá, việc FED hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam. Với nền kinh tế Việt Nam, việc FED hạ lãi suất có một số tác dụng như: giảm lãi suất USD giúp giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD cho bên vay tiền là Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Lãi suất USD giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất theo, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Điều này giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của người Mỹ, qua đó cải thiện nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
|
Bên cạnh đó, giảm lãi suất USD, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng. Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam; hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra, do Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo… Mặt khác, tỷ giá giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với lúc tỷ giá cao kỷ lục, nhưng tác động không quá lớn; ổn định thị trường ngoại hối, góp phần xây dựng niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Việc FED giảm lãi suất cũng tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Thời gian vừa qua, NHNN đã định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bao gồm giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp ổn định và tăng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên quá trình này gặp phải khó khăn khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Trước triển vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay OMO lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, và lần thứ 2 về 4,0% vào ngày 16/9. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp từng bước hạ lãi suất cho vay. Lãi suất hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, nhưng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Những gói tín dụng ưu đãi như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân 36.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục tăng tính ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này. Mới đây nhất là chỉ đạo hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do Bão số 3 gây ra, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão…
Thu hút dòng vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán
Tác động của việc FED hạ lãi suất lên thị trường chứng khoán như việc hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.
Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển. Ảnh: T.L |
Số liệu cho thấy trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia... Mặc dù vẫn đang tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng đà bán ròng đã giảm mạnh trong 2,5 tháng vừa qua, đồng thời xuất hiện trở lại các phiên mua ròng.
"Việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực. Các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của FED sắp tới sẽ diễn ra như thế nào và liệu kịch bản hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ diễn ra cũng sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Chúng ta sẽ cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời" - các chuyên gia của ABS nhấn mạnh./.