Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng hơn 30%

Một trong những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế Thủ đô là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong tháng 7, thành phố thu hút 124,9 triệu USD vốn FDI, trong đó: 23 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 38,9 triệu USD; 24 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 83,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 12 lượt, đạt 2,8 triệu USD.

Tính chung 7 tháng năm 2024, thành phố đã thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.

Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô 7 tháng đầu năm
Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 đã giải ngân 57,3% kế hoạch vốn.

Về tình hình doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2024, TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 6,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 18,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 23%; có 2,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 18%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Đáng chú ý, 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý thực hiện được 30,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 37% kế hoạch năm 2024.

Trong đó, một số công trình, dự án nổi bật như: Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 57,3% kế hoạch vốn và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 77,2% kế hoạch vốn, dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong quý III/2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá

Trong tháng 7, công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân tiếp tục được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 69,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả ấn tượng trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 33,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực. Tháng 7/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,2% và tăng 5,9%; sản xuất, phân phối điện tăng 3,6%, tăng 9,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 0,5% và tăng 5,1%; ngành khai khoáng giảm 1,3% và giảm 3,2%.

Ước tính 7 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%.

Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô 7 tháng đầu năm
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực.

Hỗ trợ gần 1,3 nghìn tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng được đảm bảo. Tính chung 7 tháng năm 2024, thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 48,3 nghìn người với số tiền được hỗ trợ gần 1,3 nghìn tỷ đồng; 100% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm mới, trong đó hỗ trợ học nghề cho 459 người với số tiền 1,8 tỷ đồng.

Trong tháng 7/2024, Hà Nội đã thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Thành phố dành trên 120.000 suất quà với tổng kinh phí gần 191 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, người có công. Cũng trong 7 tháng năm 2024, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 6,2 nghìn hồ sơ hưởng chế độ người có công và thân nhân người có công. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.481 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác giảm nghèo luôn được thành phố quan tâm thực hiện. Tính chung 7 tháng năm 2024, đã có 713 ngôi nhà được khởi công xây sửa, đạt 98,5% kế hoạch năm, trong đó 473 nhà xây mới và sửa chữa đã hoàn thành.

Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5% dân số. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%. Số người tham gia bảo hiểm tự nguyện đạt 40% lực lượng lao động.

Ước tính đến hết 7 tháng năm 2024 theo báo cáo của BHXH TP. Hà Nội, tỷ lệ bao phủ BHYT của thành phố đạt 94,4% dân số với 8.039 nghìn người tham gia, tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước…/.