Gạo nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của châu Phi, bất chấp những nỗ lực hướng đến khả năng tự đảm bảo của nhiều nước. Để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn.

Trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm.

Gạo Việt nhiều cơ hội xuất khẩu sang châu Phi
Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang châu Phi. Ảnh: TL

Đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi, với khối lượng đạt trên 600.000 tấn, trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm: Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập…

Thị hiếu tiêu thụ gạo của thị trường châu Phi là gạo hạt dài, khi nấu rời hạt (không dính), gạo đồ, gạo thơm, trong khi tại Ghana, Senegal, người dân lại thích gạo cứng.

Đối với thị trường châu Phi, Bộ Công thương (cụ thể là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi) cho hay, sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với hạt gạo Việt Nam sang thị trường châu Phi; củng cố thị phần các loại gạo trắng, hạt dài, rời hạt, gạo cứng, gạo đồ, gạo thơm…; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường này bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi./.