Gấp rút hoàn thành văn bản pháp luật, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống
Người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường của Luật Đất đai. Ảnh tư liệu

Sớm hoàn thiện nghị định, thông tư hướng dẫn

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai 2024) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng Điều 190 (hoạt động lấn biển) và Điều 248 (đất lâm nghiệp) có hiệu lực sớm, từ ngày 1/4/2024.

Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai. Các chuyên gia cho rằng, Luật sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ cơ bản vướng mắc, tồn tại trước đây khi thi hành Luật Đất đai 2013 ở địa phương.

Để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn so với kế hoạch ngày 1/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Văn bản số 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.

Tại văn bản nêu trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về lấn biển; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa; giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ: Quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.

Giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hai ngày 28 và 29/3, tại Bình Định, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Đất đai 2024, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP về giá đất và lấy ý kiến đối với dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, sau khi Luật Đất đai 2024 ban hành được dư luận xã hội đánh giá cao. Đây là một trong những Luật rất quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội.

Quá trình tổ chức xây dựng Luật Đất đai 2024 rất kỹ lưỡng, thận trọng, có hướng đi phù hợp, có sự hỗ trợ của cơ quan trung ương, địa phương, đặc biệt là các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tham gia để có Luật Đất đai 2024 hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Gấp rút hoàn thành văn bản pháp luật, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2024, cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tiếp tục đàm phán sửa đổi các văn bản có liên quan đến Luật Đất đai 2024 để đảm bảo sự thống nhất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đến các cấp, người dân, các đối tượng liên quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện; chuẩn bị các cơ sở điều kiện để triển khai thi hành Luật Đất đai…, để trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm kể từ ngày 1/7/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cấp bách và hết sức quan trọng. Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các địa phương góp ý vào dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Dù thời gian thực hiện rất gấp nhưng thực hiện phải đảm bảo chất lượng” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh./.