![]() |
Những lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới giúp giá cà phê tiếp tục neo cao. Ảnh tư liệu |
Giá cà phê kéo dài chuỗi tăng lịch sử
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tâm điểm của thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần qua là khi cả 2 mặt hàng đều chinh phục mốc giá đáng nhớ. Đóng cửa phiên, giá cà phê Arabica tăng 3,76% lên mức cao kỷ lục trong lịch sử là 8.768 USD/tấn, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 11 liên tiếp; trong khi Robusta tăng nhẹ 1,53% lên 5.643 USD/tấn.
MXV cho biết, hai nguyên nhân chính đẩy giá cà phê leo đỉnh thời gian gần đây là do đồng Real (Brazil) tăng giá, đã chạm mức cao nhất so với đồng USD trong vòng 2 tháng rưỡi. Diễn biến này đã khiến các nhà sản xuất Brazil hạn chế bán ra, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, tồn kho Arabica do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi với gần 850.000 bao, giảm hơn 14% so với mức cao nhất được ghi nhận vào ngày 6/1. Sự sụt giảm đáng kể trong lượng tồn kho phản ánh tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, khi nhu cầu tiêu thụ đang vượt xa nguồn cung sẵn có trên thị trường.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường cà phê toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại Colombia - nhà sản xuất lớn thứ 3 thế giới, khi cả giá nội địa và xuất khẩu đều duy trì ở mức đỉnh lịch sử. Tương tự, các quốc gia Trung Mỹ và phần lớn các nước sản xuất cà phê chất lượng cao cũng báo cáo tình trạng tồn kho sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết đã phần nào hạn chế đà tăng của giá. Theo báo cáo mới nhất từ Somar Meteorologia, vùng trồng Arabica trọng điểm Minas Gerais ghi nhận lượng mưa đạt 119mm trong tuần trước, vượt 203% so với trung bình lịch sử. Diễn biến này giúp giảm bớt những lo ngại về tác động của hạn hán đối với sản lượng tương lai tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
MXV cho hay, giá cà phê trong nước ngày 7/2 tiếp tục tăng cao so với ngày 6/2, đang ở mức trung bình 130.400 đồng/kg, tăng 1.400 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 130.500 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk có mức 130.400 đồng/kg (tăng 1.400 đồng/kg), tại Lâm Đồng có mức giá 129.500 đồng/kg (tăng 1.200 đồng/kg), tại Gia Lai có mức giá 130.400 đồng/kg (tăng 1.400 đồng/kg) và giá cà phê tại Đắk Nông hôm nay có giá 130.500 đồng/kg (tăng 1.300 đồng/kg).
Người trồng cà phê thắng đậm
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cho biết, hơn 90% diện tích cà phê trên cả nước đã thu hoạch xong. Ngay từ đầu vụ, ước tính sản lượng sẽ sụt giảm từ 10 - 15% so với cùng kỳ niên vụ trước, nhưng đến thời điểm này có thể lạc quan sản lượng chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5%.
Hiện tại, một số vùng vẫn tiếp tục thu hoạch cà phê chín muộn. Nhìn tổng quan vụ thu hoạch đã kết thúc. Với mức giá cao, vụ mùa này người trồng cà phê “thắng đậm”.
Thời tiết tại Tây Nguyên đang vào mùa khô với nền nhiệt độ cao hơn trung bình và lượng mưa thấp. Điều này có thể tiếp tục tác động đến chất lượng hạt cà phê, làm giảm sản lượng và thúc đẩy giá tăng.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc MXV, giá cà phê nội địa cũng tạo ra những điều thần kỳ. Suốt thời gian 10 năm, từ 2012 đến 2022, giá hạt cà phê trong nước chỉ dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg mà không vượt nổi ngưỡng 40.000 đồng/kg. Khi đó, nhiều người nông dân đã ao ước về con số 60.000 đồng/kg. Nhưng điều không tưởng đã xảy ra, ngày 30/4/2024, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ đã chạm gần 135.000 đồng/kg. Tuy rằng, sau đó, “cơn sốt” cũng dần “hạ nhiệt” nhưng cho tới cuối năm 2024, giá cà phê trong nước vẫn nằm trên ngưỡng 120.000 đồng/kg, tăng gần 80% so với đầu năm và cao gấp 2,5 - 3 lần so với các năm trước.
Từ trước cho tới nay, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng phải mất gần 1 thế kỷ, đến năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê của nước ta mới vượt mốc 5 tỷ USD. Chính sự bứt phá về giá là yếu tố kéo kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lần đầu tiên đạt 5,6 tỷ USD kết thúc năm, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê đã khép lại một năm khi ghi dấu là mặt hàng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 4 trong nhóm các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định, từ những phân tích diễn biến thị trường và các yếu tố tác động mạnh lên giá cà phê, trong thời gian tới, giá cà phê trong nước và thế giới sẽ còn biến động tăng - giảm, tuy nhiên, giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao hơn so với các năm trước. Nhìn chung, thị trường cà phê đang trong một giai đoạn điều chỉnh hợp lý sau khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ và cung - cầu vẫn sẽ là yếu tố cốt lõi quyết định đến sự biến động giá trong thời gian tới.
Tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt gần 800 triệu USD Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu 154.635 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt 799,48 triệu USD. Trong đó, cà phê nhân xuất khẩu đạt 137.568 tấn, kim ngạch 694,93 triệu USD, giảm 38,2% về khối lượng nhưng tăng 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp FDI chiếm 21,8% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống và đóng góp 22,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. |