GAS ép chỉ số

Hai cổ phiếu dầu khí được quan sát nhiều nhất dĩ nhiên là GAS và PLX, do thuộc nhóm blue-chips có khả năng tác động lên chỉ số VN-Index. Cùng chung áp lực với cả nhóm cổ phiếu dầu khí, hai mã này cũng bị chốt lời mạnh, nhưng biến động khác nhau.

GAS sụt giảm rất nhanh ngay đầu phiên, đến khoảng giữa phiên sáng đã bốc hơi 3,52% so với tham chiếu. Tuy nhiên GAS vẫn có cầu bắt đáy vì giá dầu vẫn đang trong xu hướng tăng, dù có khả năng điều chỉnh ngắn hạn thông thường. GAS hồi giá lại rất tích cực lúc gần cuối phiên chiều, thậm chí có lúc giá chỉ còn giảm 0,44%. Thế nhưng lực đỡ là chưa đủ, GAS quay lại đà giảm ít phút cuối, đóng cửa mất 2,2%.

PLX lại hồi giá thành công. Cổ phiếu này cũng lao dốc giống GAS buổi sáng, giảm sâu nhất 2,6%. Buổi chiều PLX được đẩy lên mạnh hơn GAS nhiều, còn vượt qua cả tham chiếu 1,11%, nhưng đóng cửa chỉ còn tăng 0,19%. Khác biệt giữa GAS và PLX có lẽ là do áp lực ngắn hạn khác nhau: PLX tăng chưa tới 8% trong khoảng chục phiên gần đây, trong khi GAS tăng hơn 26%. Thanh khoản của GAS hôm nay cũng cao hơn 68% so với PLX, do khối lượng tích lũy trước đó của GAS lớn hơn nhiều.

Giá dầu rơi mạnh, cổ phiếu dầu khí đồng loạt lao dốc
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Các cổ phiếu dầu khí nói chung hôm nay đều giảm mạnh, đặc biệt các mã nhỏ đã tăng quá nhanh. ASP giảm sàn sau khi đã tăng 128% kể từ đầu tháng 9. PGC giảm 5,61% vì giá đã tăng trên 57% cũng trong thời gian này. GSP giảm 3,2%, PJT giảm 2,2%, PVD giảm 1,2%, TDG giảm 3,9%, PVS giảm 1,4%, PVC giảm 2,3%, BSR giảm 3,3%, OIL giảm 3,3%, PGD giảm 6,91%, PVG giảm 4,9%, PGS giảm 5,4%, MTG giảm 10,8%...

GAS là cổ phiếu vốn hóa lớn kéo chỉ số VN-Index xuống nhiều nhất, nhưng điều may mắn là nhóm dầu khí nói chung vốn hóa đều nhỏ. HPG giảm 0,89%, VHM giảm 0,62%, NVL giảm 0,86%, TCB giảm 0,6% là các blue-chips khác cũng gây ảnh hưởng đáng kể cùng với GAS.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay mạnh trở lại là một sự bù đắp kịp thời. VPB chốt quyền và giá tăng vọt 4,24% so với giá tham chiếu mới, cân bằng lại được mức giảm của GAS. VCB cũng được đột ngột kéo tăng vọt 1,26%, dù trước đó ít phút còn giảm. SSB tăng 3,87%, MSB tăng 4,96% cũng là các mã đỡ chỉ số.

Dòng tiền vẫn đang “đào bới” cơ hội

Dầu khí quay đầu hàng loạt hôm nay phụ thuộc nhiều vào biến động của giá dầu. Giá dầu thế giới đang ở đỉnh 3 năm và khả năng biến động rất dễ xảy ra vì giá dầu càng cao, càng ảnh hưởng xấu đến phục hồi kinh tế. Các chính phủ có thể có biện pháp hạ nhiệt hoặc ít nhất là kiềm chế tăng. Cổ phiếu dầu khí tuy chưa có tín hiệu rõ ràng về rủi ro đạt đỉnh, nhưng dòng tiền đầu cơ đã kiếm đẫm vừa qua sẽ thận trọng hơn.

Mặc dù VN-Index không có động lực tăng rõ ràng nào, nhưng hôm nay kể cả cổ phiếu dầu khí sụp đổ, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu khác. Các mã bất động sản khu công nghiệp đột ngột tăng vọt phiên này và có thanh khoản lớn: KBC tăng 3,84%, ITA tăng 2,12%, LHG tăng 2,47%, SZC tăng 6,9%, SZL tăng 1,93%...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhìn chung vẫn hấp dẫn dòng vốn trong bối cảnh các blue-chips vẫn chưa có tín hiệu gì mới. Chỉ số nhóm smallcap phiên này tăng tốt nhất sàn HoSE, trên tham chiếu 1,49%. Khá nhiều mã nhỏ tăng kịch trần như NBB, PAN, SHA, DTA, SZC, DLG, ELC BCG, ABS.

Điều khá đặc biệt là thanh khoản trở lại xu hướng giảm đối với nhóm cổ phiếu VN30, nhưng lại gia tăng ở các mã và và nhỏ. Cụ thể, VN30 giảm giá trị giao dịch 13% so với hôm qua nhưng midcap tăng 19%, smallcap tăng 23%. Chính nhờ giao dịch sôi động hơn ở các mã vừa và nhỏ nên thanh khoản sàn HoSE hôm nay vẫn tăng nhẹ và tổng giá trị khớp hai sàn quay lại mức trên 20 ngàn tỷ đồng.

Giá dầu rơi mạnh, cổ phiếu dầu khí đồng loạt lao dốc

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

18.654 tỷ đồng (+7%)

658,7 triệu (+11%)

2.045 tỷ đồng (-1%)

102,3 triệu (+4%)