Giá dầu thô Brent tăng 11 cent lên 91,91 USD/thùng, sau khi tăng 2,94 USD trong phiên trước đó. Giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 5 cent lên 86,57 USD/thùng sau khi tăng 2,89 USD trong phiên trước.

Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: “Việc giảm sản lượng sẽ thắt chặt đáng kể thị trường”. Giá dầu đã giảm trong bốn tháng liên tiếp kể từ tháng Sáu, khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới nhu cầu từ thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Cùng với đó, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên cũng đè nặng thị trường tài chính toàn cầu.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 5/10
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 5/10. Ảnh: T.L

Trong một báo cáo ngắn gửi khách hàng, công ty tư vấn FGE (Mỹ) cho biết mặc dù giá dầu Brent có thể nhanh chóng mạnh lên trong ngắn hạn sau các thông tin có lợi, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng hạn chế đà tăng của “vàng đen”.

Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 6% vào thứ Ba, từ mức thấp gần 12 tuần trong phiên trước đó do giá dầu tăng và dự báo nhu cầu khí đốt trong tuần này cao hơn dự kiến trước đó.

Giá dầu tăng khoảng 3 USD/thùng do kỳ vọng sản lượng dầu thô từ OPEC+ sẽ bị cắt giảm mạnh và sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn. Việc tăng giá diễn ra bất chấp sản lượng khí đạt kỷ lục và nhu cầu khí đốt gần đây giảm và giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 tăng 36,7 cent, tương đương 5,7%, lên mức 6,837 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Hai, hợp đồng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 12/7.

Giá khí đốt giao sau của Mỹ vẫn tăng khoảng 83% cho đến nay trong năm nay do giá khí đốt toàn cầu tăng cao đã cung cấp nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ do gián đoạn nguồn cung./.