Phát biểu tại lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, ông Lưu Hoàng Long- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, việc thúc đẩy công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất đặc thù, văn hóa truyền thống bản địa như cách làm của tỉnh Gia Lai là hướng đi phù hợp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao giá trị đặc sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
![]() |
Ông Lưu Hoàng Long trao Văn băng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” cho bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV |
Để phát triển sản phẩm đặc thù địa phương được bền vững, ông Hoàng Long cũng lưu ý, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước khởi đầu, công tác quản lý, kiểm soát để giữ gìn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm mới là bài toán đặt ra cho chủ sở hữu.
![]() |
Tổng sản lượng mật ong Gia Lai khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: minh hoạ |
Điều đó đòi hỏi chủ sở hữu phải thay đổi mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Gia Lai hiện có khoảng 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng mật ong khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Sản phẩm thuốc lá Krông Pa được đánh giá cao về chất lượng bởi số giờ nắng rất lớn ở địa phương, đây là sản phẩm chủ lực của huyện với giá trị sản lượng 220-250 tỷ đồng, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. |