Công ty luật đòi nợ thuê bằng hình thức “khủng bố”

Bộ Công an cho biết, các hình thức đòi nợ thuê có chiều hướng gia tăng, hình thành ổ nhóm có tổ chức, đòi nợ bằng nhiều hình thức khủng bố xảy ra tại nhiều địa phương. Vụ việc điển hình được triệt phá mới đây là minh chứng.

Lực lượng công an triệt phá chuyên án Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê bằng hình thức khủng bố. Ảnh: BCA
Lực lượng công an triệt phá chuyên án Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê bằng hình thức khủng bố. Ảnh: BCA

Cụ thể, ngày 14/2, Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ triệt phá chuyên án Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) đã lợi dụng hoạt động trong lĩnh vực luật để đòi nợ thuê cho các ngân hàng và công ty tài chính bằng cách sử dụng các hành động khủng bố như đặt bình gas, mang quan tài đến nhà của các bị hại và người thân đe dọa gây nổ để tạo áp lực đòi nợ tại nhiều địa phương.

Bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ sai phạm của công ty này và bắt giữ 15 nghi phạm liên quan. Cơ quan công an đã làm rõ việc hàng tháng, các đối tượng đã "xử lý" từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng khách vay, tổng số tiền mà các nghi phạm đã đòi được là hơn 988 tỷ đồng. Công ty Luật TNHH Pháp Việt mượn danh nghĩa người có nghề luật sư để đứng tên làm giám đốc và đăng ký kinh doanh hoạt động trợ giúp pháp lý, nhưng chỉ tuyển lao động phổ thông và thực hiện việc đe dọa, khủng bố người khác để đòi nợ thuê; thực tế không trợ giúp pháp lý như pháp nhân đăng ký. Số tiền mà công ty nhận được từ các công ty tài chính, ngân hàng do phạm tội mà có.

Theo quy định tại Luật Luật sư, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này (luật sư) phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp. Dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định tại Điều 4 Luật Luật sư bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa công ty luật thông qua dịch vụ xử lý nợ xấu để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật.

Ngày 21/2/2023, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã có thư khen các đơn vị đã lập chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, triệt phá chuyên án lợi dụng danh nghĩa công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê.

Hiện Công an Tiền Giang tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng mở rộng điều tra vụ án. Thời gian tới sẽ công bố danh sách nạn nhân của Công ty Luật TNHH Pháp Việt; đồng thời kêu gọi các cá nhân, tổ chức khác là nạn nhân của nhóm bị can đến trình báo để được giải quyết.

Biến tướng đòi nợ thuê trên cả không gian mạng

Theo Bộ Công an, hoạt động đòi nợ ngày càng biến tướng tinh vi, diễn ra trên cả không gian mạng. Trước đó, vào tháng 12/2022, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.

Thượng tá Phạm Đình Ngọc - Trưởng Công an quận 12 cho biết, doanh nghiệp này mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay... sau đó giao cho nhân viên thu hồi nợ. Các nhân viên được thưởng 25-50% trên số tiền đòi được.

Cơ quan công an xác định, mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng không gian mạng để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng. Tại Hà Nội, cuối tháng 11/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đã bắt khẩn cấp 9 đối tượng trong công ty mua bán nợ về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc.

Qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và nắm tình hình, đầu tháng 9/2022, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện một số công ty lợi dụng danh nghĩa công ty cổ phần mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê. Thủ đoạn các đối tượng là mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ "xấu", nợ khó đòi. Công ty có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ hoạt động có quy định "ngầm".

Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, các đối tượng cho nhân viên đi gửi thông báo cho con nợ, gửi thông báo cho công an cơ sở về thời gian đến làm việc. Các đối tượng mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ô tô có dán chữ "Công ty mua bán nợ" đến nhà con nợ để thị uy, đồng thời đi đông người gây sức ép, chửi bới, đe dọa con nợ. Nếu con nợ chây ỳ không trả thì những đối tượng này "ăn nằm" tại nhà, tại trụ sở công ty vay nợ gây xáo trộn cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan tổ chức nơi làm việc của người vay nợ. Trước sức ép của những đối tượng trên, buộc những người này phải viết cam kết trả tiền theo kế hoạch, lộ trình mà chúng đưa ra.

Quá trình thu thập tài liệu, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội phát hiện nhóm đối tượng của Công ty cổ phần mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội có hành vi đe dọa, đòi tiền của anh A tại Thanh Xuân, Hà Nội. Theo cảnh sát, hợp đồng bán nợ trên chỉ là "giả cách" nhưng không thanh toán tiền mua nợ. Bản chất vụ việc là đòi nợ thuê, khi đòi được tiền thì mới ăn chia với nhau theo tỷ lệ thỏa thuận 50/50.

Tránh xa các hoạt động "tín dụng đen"

Để tránh hệ lụy phát sinh, cơ quan công an cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức tránh xa các hình thức vay tiền do các nhóm "tín dụng đen" chào mời. Công an đã và đang tập trung khám phá những tổ chức tội phạm này để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.