Giá xăng dầu, gas liên tục biến động, vì sao?
Kỳ điều hành ngày 4/1, giá xăng RON 95-III ở mức 21.916 đồng/lít thấp hơn đầu tháng 12/2023 từ 784 đến 1.074 đồng/lít. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả xăng dầu, gas trong nước và thế giới từ đầu tháng 12/2023 đến nay?

Giá xăng dầu, gas liên tục biến động, vì sao?
Ông Dương Đức Quang

Ông Dương Đức Quang: Tôi cho rằng, thị trường dầu thế giới vừa trải qua tháng cuối cùng của năm 2023 và những ngày đầu năm mới khá thận trọng. Giá dầu biến động, với 2 tuần giảm và 3 tuần tăng. So với hồi đầu tháng 12/2023, hiện giá dầu giảm khoảng hơn 3%, với dầu WTI ở ngưỡng 73 USD/thùng và dầu Brent ở quanh vùng 78 USD/thùng.

Nhưng nếu tính từ đầu quý IV/2023 đến nay, giá dầu thế giới đi theo xu hướng giảm rõ rệt, hiện đánh mất gần 23% so với mức đỉnh của năm vào cuối tháng 9. Thậm chí vào giữa tháng 12, đã có phiên giá dầu chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng, với giá dầu WTI về dưới 68 USD/thùng và dầu Brent chỉ còn có 72 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, kể từ khi rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xuống còn 7 ngày thì giá nội địa đã sát hơn với giá thế giới. Với xu hướng đi ngang của giá dầu thế giới từ đầu tháng 12, giá xăng trong nước cũng biến động tương tự, với hai lần điều chỉnh giảm mạnh, một lần tăng mạnh và lần gần nhất vào ngày 28/12, giá biến động không đáng kể.

Tại kỳ điều hành ngày 4/1, giá xăng RON 95-III (giảm 232 đồng/lít) ở mức 21.916 đồng/lít; xăng E5 RON 92 (giảm 180 đồng/lít) đạt 21.006 đồng/lít. Như vậy, giá xăng trong nước hiện chỉ thấp hơn hồi đầu tháng 12/2023 từ 784 đến 1.074 đồng/lít.

Giá gas trong nước sẽ được giữ nguyên hoặc tăng nhẹ trong những tháng tới

So với xăng dầu, đà tăng của giá khí ổn định hơn, hiện đang ở mức cao nhất kể từ 6/12/2023, với 2,7 USD/MMBtu. Trong tháng 12/2023, giá gas trong nước bình ổn và lại tăng vào đầu năm mới với mức khoảng 450 - 500 đồng/kg. Ông Dương Đức Quang nhận định, giá khí thế giới có thể tăng lên sát mốc 3 USD/MMBtu và giá gas trong nước nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên hoặc tăng nhẹ trong những tháng tới.

Tương tự, trên thị trường khí đốt, sau khi giảm và chạm đáy 6 tháng trong ngày 13/12, giá khí tự nhiên đã phục hồi trở lại. So với xăng dầu, đà tăng của giá khí ổn định hơn, hiện đang ở mức cao nhất kể từ 6/12/2023, với 2,7 USD/MMBtu. Trong tháng 12/2023, giá gas trong nước bình ổn và lại tăng vào đầu năm mới với mức khoảng 450 - 500 đồng/kg.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong tháng qua?

Ông Dương Đức Quang: Thị trường xăng dầu trong thời gian qua đón nhận nhiều thông tin trái chiều khiến giá liên tục biến động. Theo tôi có nhiều nguyên nhân tác động lên diễn biến này. Trong đó có hai lý do chính:

Thứ nhất, căng thẳng mới tại khu vực Trung Đông, với sự xuất hiện của phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn, đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. Đây là nơi có eo biển Bab El-Mandab và kênh đào Suez, vốn là cửa ngõ thương mại quan trọng chiếm tới 12% lưu lượng hàng hoá thế giới. Các tàu chở dầu đã phải chuyển tuyến để tránh thiệt hại, khiến nguồn cung tạm gián đoạn, giá dầu vì thế đi lên.

Thứ hai, tiêu thụ dầu thô thế giới suy yếu trong bối cảnh gặp áp lực tăng trưởng cũng gây sức ép đến giá. Thị trường cho rằng, thặng dư dầu rơi vào khoảng 600.000 thùng/ngày trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng, tiêu thụ xăng dầu thường có chiều hướng đi xuống vào giai đoạn mùa đông tại Bắc bán cầu, khi mọi người hạn chế lái xe hơn. Chính những yếu tố trái chiều này khiến cho giá ghi nhận các đợt tăng, giảm xen kẽ nhau và tổng thể mang lại sự ổn định trong giai đoạn đầu tháng 12 đến nay.

Đối với khí đốt, giai đoạn mùa đông lại là thời điểm tiêu thụ tăng cao, phục vụ nhiều cho việc sưởi ấm. Nhiệt độ tháng Giêng tại Mỹ hay châu Âu được dự báo lạnh hơn thúc đẩy nhu cầu, trong khi sản lượng gần đây có xu hướng đi xuống. Quan trọng hơn, nguồn cung thế giới hiện đối diện với nhiều rủi ro địa chính trị. Trong hai năm qua, kênh đào Suez đã trở thành huyết mạch vận chuyển LNG chính mà các nước châu Âu sử dụng để thay thế khí đốt qua đường ống của Nga. Tuy nhiên, những căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ đe doạ tới dòng chảy xuất khẩu này, từ đó đẩy giá khí tăng tới 20% kể từ giữa tháng 12.

PV: Trong những tháng đầu năm, dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, xu hướng giá dầu và khí đốt những tháng đầu năm có thể sẽ có nhiều biến động đáng chú ý hơn, tuỳ thuộc vào diễn biến quanh khu vực Biển Đỏ, cùng những căng thẳng xoay quanh Israel và Palestine. Đây là một trong những điểm nóng đối với thị trường năng lượng toàn cầu thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều này chỉ tác động trong ngắn hạn cho nên giá vẫn có thể duy trì ổn định trong tháng đầu năm nay. Nhưng về dài hạn bất cứ sự leo thang xung đột nào đều sẽ đẩy giá dầu và giá khí đốt tăng đột biến.

Ngoài ra, riêng với thị trường dầu thì quý I đầu năm cũng là thời điểm nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày. Nếu như các bên thực hiện đúng cam kết, thị trường có thể thiếu hụt khoảng 500.000 thùng/ngày. Hơn nữa, đầu tháng 2 tới, OPEC+ sẽ họp đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch. Không loại trừ OPEC+ có thêm các biện pháp hỗ trợ giá nên tôi cho rằng trong các tháng đầu năm giá dầu thế giới có thể tăng nhẹ so với mức trung bình cuối năm.

Tuy nhiên, đà tăng giá sẽ bị cản bởi sức ép tăng trưởng hạn chế nhu cầu, khi nhiều tổ chức lớn dự báo kinh tế toàn cầu yếu hơn trong năm nay. Ngoài ra, sản lượng các nước ngoài OPEC, điển hình là Mỹ cũng tăng cao sẽ bù đắp một số rủi ro. Theo các phân tích trên, tôi dự đoán giá dầu WTI dao động trong khoảng 68 - 80 USD trong tháng đầu năm 2024. Trong trường hợp này thì giá xăng dầu trong nước có thể tăng nhẹ, nhưng nhìn chung tương đối ổn định giống giai đoạn quý IV năm ngoái.

PV: Xin cảm ơn ông!