Doanh nghiệp Hàn Quốc nộp 175.000 tỷ đồng thuế, kiến nghị gỡ loạt chính sách ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024. Ảnh: Đức Minh

PV: Ông đánh giá như thế nào về những hội nghị đối thoại chính sách thuế - hải quan giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam nói riêng?

Ông Hong Sun: Thời gian qua, cộng đồng DN Hàn Quốc thường xuyên có những buổi trao đổi, làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan để cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Tôi đánh giá rất cao Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và các DN Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan được tổ chức vào dịp đầu năm như thế này. Đây không chỉ là cơ hội để các tập đoàn có quy mô lớn, mà ngay cả các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc có thể trực tiếp đặt câu hỏi và lắng nghe giải đáp về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế và hải quan như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các DN phát sinh vấn đề làm thêm giờ vượt quá 200 giờ/năm, thuế xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, thủ tục hải quan...

Chúng tôi kỳ vọng, sau buổi đối thoại này, những vướng mắc còn tồn tại sẽ cơ bản được các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giải đáp cụ thể. Đồng thời, cũng lan tỏa và truyền đạt lại đến các cơ quan quản lý cấp địa phương nơi các DN Hàn Quốc hoạt động để sớm giải quyết thấu đáo, ổn thỏa các vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN Hàn Quốc nắm bắt chính sách cụ thể và hoạt động thông thoáng, suôn sẻ hơn.

PV: Ông đánh giá ra sao về công tác cải cách, chuyển đổi số của cơ quan thuế - hải quan Việt Nam trong thời gian qua?

Giải đáp kịp thời vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm sản xuất

Ông Hong Sun: Trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN thì cơ quan thuế, hải quan là những cơ quan của Chính phủ liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN. Với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, hai ngành Thuế, Hải quan đóng vai trò quan trọng và đã thực hiện cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện để có thể thông quan hàng hoá xuất khẩu một cách nhanh chóng.

Trước đây, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chiếm khá nhiều thời gian, chi phí của DN. Nhưng hiện nay, hàng hoá của DN được phân luồng xanh, vàng, đỏ; phân định hàng hoá nào thuộc diện tiền kiểm, hậu kiểm, qua đó rút ngắn thời gian DN làm thủ tục xuất nhập khẩu, tạo rất nhiều thuận lợi cho DN.

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cơ quan hải quan đã nâng cấp độ giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Từ việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ bản cứng có đóng dấu chuyển sang chế độ sử dụng chế độ điện tử. Đến nay, có 90% các hồ sơ, giấy tờ đã được điện tử hoá. Như vậy, người dân, DN tốn ít thời gian, chi phí hơn trước, khi phải trực tiếp đến làm thủ tục tại các cửa khẩu, gặp cơ quan hải quan để xử lý các TTHC, điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực thuế, tôi đánh giá cao việc cơ quan thuế đã áp dụng toàn diện nền tảng công nghệ thông tin để giải đáp các vướng mắc, xử lý TTHC liên quan đến chính sách thuế. Trong hai năm qua, 100% các thủ tục liên quan đến hóa đơn điện tử được cơ quan thuế áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân.

Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư các ngành công nghệ cao
Ảnh minh họa

PV: Nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã ban hành các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế TNCN… tiền thuê đất và miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí. Những chính sách trên của Việt Nam tác động như thế nào đến các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Hong Sun: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rất khó khăn, suy thoái, Bộ Tài chính đã kịp thời tham vấn, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN… tiền thuê đất và miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí giúp DN có thêm nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch và những biến cố chính trị.

Với việc ban hành những chính sách phù hợp trong từng thời kỳ, thậm chí là chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân, DN trong đó có DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, tôi kỳ vọng, sắp tới, sẽ có sự đa dạng hơn nữa lĩnh vực đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam, không phải chỉ là lĩnh vực sản xuất, chế tạo mà còn là các dự án hàng tỷ USD về năng lượng.

Những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã cảm nhận rất rõ sự nỗ lực của Chính phủ nói chung và cơ quan thuế Việt Nam nói riêng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi. Đơn cử như trong năm 2022, trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng DN mà không phân biệt DN trong nước hay nước ngoài.

Cùng với đó, những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thông qua cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, như hóa đơn điện tử, triển khai các dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động, hay Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài… đều cho thấy, Tổng cục Thuế luôn theo dõi sát tình hình thực tế của DN để có những đề xuất phù hợp.

Tất cả các hoạt động này đã tạo rất nhiều thuận lợi cho các DN nước ngoài trong việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào sự tiếp tục cải cách hơn nữa của cơ quan thuế, hải quan để ngày càng có thêm nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư, hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn (thực hiện)