Giải mã hiện tượng dòng tiền đổ dồn vào vàng và dự báo xu hướng
Nguồn: SJC Hà Nội. Đồ họa: TL

Liên tục phá vỡ các kỷ lục

Chỉ trong giai đoạn khoảng nửa cuối tháng 12/2023, vàng tăng giá mạnh và liên tục các kỷ lục mới được thiết lập, có một số thời điểm vàng miếng SJC 9999 đã vượt qua mốc lịch sử 80 triệu đồng/lượng bán ra. Đến sáng ngày 28/12, giá vàng có phần hạ nhiệt chút ít so với thời điểm lập đỉnh, nhưng vẫn neo ở mức rất cao với giá bán ra khoảng 79.800 triệu đồng/lượng.

Diễn biến của giá vàng trong nước một phần chịu sự ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới trong thời gian qua cũng bước vào chu kỳ tăng mạnh và cũng liên tục phá vỡ các mốc lịch sử. Sáng ngày 28/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.087 USD/ounce.

Việc giá vàng thế giới tăng được các chuyên gia tài chính quốc tế lý giải là do sự suy yếu của đồng Đô la Mỹ trong thời gian qua khiến cho đồng tiền này không còn là công cụ dự trữ của các tổ chức tài chính quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ đã lùi về chỉ còn khoảng hơn 100 điểm, mức điểm rất thấp so với thời điểm đồng tiền này lập đỉnh đạt mốc gần sát 107 điểm hồi giai đoạn cuối tháng 10/2023. Với diễn biến này, đồng Đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã mất giá khoảng 6 - 7% trong vòng 2 tháng qua.

Trong khi đó, giá vàng trên thị trường quốc tế thường được niêm yết theo đồng Đô la Mỹ, theo đó, nếu loại bỏ các yếu tố tác động khác thì việc đồng Đô la Mỹ mất giá bao nhiêu thì giá vàng sẽ phải tăng giá bấy nhiêu xét về sự so sánh giữa 2 tài sản này. Nhìn lại 2 tháng trước, mặt bằng giá vàng thế giới hồi cuối tháng 10/2023 là khoảng 1.950 USD/ounce, theo đó đến nay giá vàng cũng đã tăng được khoảng 7% so với đồng Đô la Mỹ và theo đó khá phù hợp với tỷ lệ mất giá của đồng tiền này trong vòng 2 tháng qua.

Ngoài yếu tố liên quan đến sự mất giá của đồng Đô la Mỹ, thời gian qua cũng có nhiều quan điểm cho rằng vàng đang dần sẽ được hưởng lợi bởi xu hướng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) từ thắt chặt trong suốt 2 năm qua sang hướng nới lỏng từ năm 2024. Theo đó theo quy luật chung, vàng thường có biến động ngược chiều với lãi suất, cụ thể lãi suất giảm sẽ làm cho giá vàng tăng.

Những yếu tố chi phối xu hướng

Giá vàng miếng SJC chính thức cán mốc 80 triệu đồng/lượng

Phân tích về biến động giá vàng, theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, việc giá vàng tăng thời gian qua cũng có cơ sở, bởi một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có động thái tăng dự trữ vàng trong danh mục của họ. Trong khi đó, các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng có thể có tác động lên giá vàng. Ngoài việc 2 cuộc xung đột quân sự tại Ucraine và Isael vẫn còn phức tạp chưa biết đến khi nào kết thúc thì thế giới trong năm 2024 còn có 50 cuộc bầu cử. Các diễn biến chính trị đang diễn ra với bối cảnh những kịch bản không chắc chắn là các yếu tố có thể thúc đẩy động thái mua vàng của nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cũng cho biết, FED dừng tăng lãi suất khiến đồng Đô la Mỹ không bị đẩy giá cao và giá vàng có thể tăng nhanh hơn so với giá Đô la. Bên cạnh đó, các yếu tố xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp diễn khiến vàng trở lại một kênh trú ẩn tài chính bền vững hơn các thị trường khác. Khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng, trong khi giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng.

Với thị trường trong nước, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sự tăng giá mạnh của giá vàng thế giới thời gian qua, nhưng giá vàng trong nước thậm chí còn chịu “sức nóng” lớn hơn. Nhìn lại giá vàng trong nước cách đây 2 tháng, giá vàng miếng SJC 9999 chỉ quanh mức khoảng 70 - 71 triệu đồng/lượng. Theo đó, tốc độ tăng giá của giá vàng trong nước đạt khoảng gần 13% trong vòng 2 tháng qua, nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 7% của giá vàng thế giới cũng trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, tách riêng yếu tố bên trong thì nền kinh tế Việt Nam hiện tại cũng đang đi vào giai đoạn lãi suất thấp (tức lãi suất đã thực sự giảm, không phải trên cơ sở dự báo như lãi suất tại Mỹ). Trong bối cảnh kênh giữ tiền không còn hấp dẫn thì nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó các lựa chọn có thể là vàng, chứng khoán, bất động sản…

Tuy nhiên, bất động sản vẫn còn khá khó khăn và đòi hỏi phải có vốn lớn, còn chứng khoán vẫn đối diện với các yếu tố chưa chắc chắn về khả năng phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong ngắn hạn. Đây là yếu tố khiến dòng tiền đổ dồn vào vàng với quan điểm là kênh giữ tiền an toàn có tính truyền thống.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh bảo yếu tố “an toàn” có tính truyền thống của vàng có thể sẽ không còn an toàn khi giá tài sản đã bị đẩy lên mức quá cao. Đặc biệt trong các ngày gần đây các công ty kinh doanh vàng cũng kéo dãn chênh lệch giá mua vào/bán ra từ mức chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng trước đây lên tới khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/lượng.

Sự chênh lệch giá mua vào/bán ra khiến cho chi phí giao dịch cho việc lướt sóng vàng cũng đang khá lớn, chẳng hạn như khi nhà đầu tư mua vàng với giá 80 triệu/lượng, sau đó giá vàng tăng lên mức từ khoảng 81,5 triệu đồng/lượng thì khi bán ra nhà đầu tư cũng chỉ bán được cho công ty kinh doanh vàng với giá mua vào của họ là 80 triệu đồng/lượng, tương đương chỉ thu về được bằng với giá vốn khi mua.

Vàng trong nước ngày càng “đắt” hơn thế giới

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ngày càng xa hơn. Trước đây, giá vàng miếng SJC 9999 đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng thì nay mức chênh đã lên tới khoảng hơn 18 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trong nước trước đây chênh lệch với giá vàng thế giới không đáng kể thì nay cũng đã cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.