Giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia khởi sắc
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đến nay đã cho thấy hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh tư liệu

Ước giải ngân 3 tháng gần 20% kế hoạch

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 27.220 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài) cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Còn trên 2.464 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến nay nguồn vốn CTMTQG đã được phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án trên 24.755 tỷ đồng (vốn trong nước trên 24.285 tỷ đồng; vốn nước ngoài trên 470 tỷ đồng). Số vốn chưa được phân bổ còn trên 2.464 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết là do còn một số dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước lũy kế giải ngân đến hết tháng 3/2024 là 5.303 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch vốn. So với kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách của cả nước (trong 3 tháng đầu năm), kết quả giải ngân các CTMTQG có sự chuyển biến tích cực hơn nhiều. Kết quả này đã thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để đưa được nguồn vốn đến với những nhiệm vụ, dự án giúp cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo đó, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các CTMTQG, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bốn và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Về phía mình, các bộ, ngành, địa phương đã rất khẩn trương tổ chức thực hiện CTMTQG, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các địa phương, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp (theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP). Nhiều địa phương đã chủ động, khẩn trương triển khai và có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 111/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG...

Tiếp tục tháo gỡ rào cản

Giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia khởi sắc
Diện mạo nông thôn khởi sắc. Ảnh minh họa

Mặc dù tỷ lệ giải ngân đang có sự khởi sắc, nhưng theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang là “rào cản” dòng chảy của nguồn vốn này đến với các nhiệm vụ, dự án.

Đầu tiên phải kể đến là công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ. Do đó đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Một số ví dụ như: Định mức kinh tế - kỹ thuật dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc nội dung số 02 Tiểu dự án 2 Dự án 3 của CTMTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang được Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng. Hay như quy định về hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG Giảm nghèo bền vững hiện có vướng mắc là xác định đối tượng người có lao động thu nhập thấp. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện CTMQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình. Tiếp đến là việc sửa đổi, bổ sung nội dung thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững hiện đang được Bộ LĐTBXH chủ trì xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 90/QĐ-TT phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn các CTMTQG nhanh hơn nữa, trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các CTMTQG; có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, ...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các chủ chương trình/dự án/ tiểu dự án thành phần, chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban bành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án. Các địa phương rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao.

Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư của các dự án; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, địa phương sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.