Ước 12 tháng giải ngân đạt trên 67% kế hoạch vốn

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Trong đó, vốn trong nước đạt 77,74% (cùng kỳ năm 2021 đạt 83,66%), vốn nước ngoài đạt 33,65% (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%).

Hiện có 12 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,62%); Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%)…

Tuy nhiên vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% như: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (trên 33%); Bộ Công thương (trên 42%); TP. Hồ Chí Minh (trên 34%); Cao Bằng (trên 43%); Gia Lai (trên 47%)…

Một số bộ, địa phương nếu chưa tính phần kế hoạch năm 2022 mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung từ tháng 10/2022 thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Đài Tiếng nói Việt Nam (100%), Hội Nông dân Việt Nam (79,59%), Ngân hàng Chính sách xã hội (88,45%), Văn phòng Chính phủ (67,71%), tỉnh Sơn La (70,79%).

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm. Đơn cử như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến 19/12/2022, dự án đã giải ngân là 16.684,5 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch đã giao.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Lũy kế số vốn ngân sách nhà nước của dự án giải ngân đến thời điểm báo cáo là 44.618,2 tỷ đồng, đạt 91,9% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 12.815,3 tỷ đồng, đạt 79,9% kế hoạch năm 2022 được giao.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng kế hoạch 119.644,586 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân đến thời điểm báo cáo là 5.855,8 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch năm 2022 của dự án.

Gấp rút về đích

Có thể thấy, với kỳ vọng lấy giải ngân vốn đầu tư công làm “đòn bẩy” phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều đoàn làm việc, gặp gỡ rất nhiều địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía Bộ Tài chính, ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định nền kinh tế, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động công tác tham mưu điều hành về quản lý vốn đầu tư theo đúng các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (vốn giao đầu năm, vốn kéo dài, vốn bổ sung trong năm) theo đúng các quy định; chủ động tổng hợp, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền các vướng mắc phát sinh về cơ chế, chính sách…

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nguồn vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022 là trên 51.752 tỷ đồng. Ước thanh toán đến 31/12/2022 là trên 32.643 tỷ đồng, đạt trên 63% kế hoạch.

Chia sẻ cụ thể hơn về công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước (KBNN), góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, thời gian qua KBNN đã không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ. Theo đó, việc thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục tuyệt đối. “Trước đây là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm soát sau. Thời gian nhận và kiểm soát hồ sơ đã giảm từ 4 ngày xuống còn 1 ngày. Hơn nữa, các đơn vị KBNN đều chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn và tăng cường thực hiện giao dịch, thanh toán vốn trên dịch vụ công trực tuyến. Do đó, khi các đơn vị gửi hồ sơ thanh toán vốn, KBNN thực hiện kiểm soát và chi trả nguồn vốn ngay " - ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư vẫn đang rất chậm và việc chậm này, theo ông Dương Bá Đức, vướng mắc lớn nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. “Trước đây nói rằng bộ, ngành giao danh mục dự án làm ảnh hưởng đến địa phương. Nhưng hiện nay luật đã được sửa đổi theo hướng giao toàn quyền cho địa phương, bao gồm cả phân bổ và điều chỉnh kế hoạch. Vừa rồi Thủ tướng lập 6 đoàn công tác, chúng tôi đã đi thực tế một số địa phương, có những nơi 6 tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Điều này chứng tỏ khâu thực hiện có vấn đề’ – ông Đức nói.

Như vậy, chỉ còn đúng 1 tháng nữa để hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 (tính theo năm ngân sách). Thời gian không còn nhiều, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương tại thời điểm này là vô cùng quan trọng để đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt cao nhất khi hết năm ngân sách. Theo đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 124/NQ – CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chỉ thị số 19/CT – TTg và Nghị quyết số 156/NQ – CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022.

Các đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo

Báo cáo từ Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho biết, mặc dù Bộ Tài chính đã có quy định về cơ chế phối hợp trong tổng hợp báo cáo số liệu giải ngân, song chế tài xử lý các đơn vị chưa thực hiện đúng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai còn chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo về chất lượng, thời gian hoàn thành công tác tổng hợp báo cáo. Theo đó, 1 trong các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 được Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính đưa ra là: Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, cập nhật kịp thời tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023…