du an

Không có mặt bằng sạch để triển khai khiến nhiều dự án chậm thực hiện.

Sốt ruột trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương và nhận thấy những vướng mắc phát sinh từ khâu phân bổ vốn tới quá trình triển khai dự án.

8 tháng giải ngân mới đạt hơn 41% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 8 tháng năm 2019 là hơn 161.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: Vốn trong nước là hơn 152.522 tỷ đồng (vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) mới đạt 23,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 36,47% kế hoạch giao). Vốn ngoài nước giải ngân đạt hơn 8.748 tỷ đồng, mới đạt 19,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 27,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Có 5 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%. Đáng chú ý, đó là: Hải Dương (hơn 85%), Ninh Bình (hơn 82%); đạt hơn 70% là Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Yên. Khối các bộ, ngành, cao nhất là Hội Nhà văn Việt Nam (hơn 83%), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hơn 80%), Ngân hàng Chính sách xã hội (hơn 78%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng giải ngân đều đạt hơn 73%.

Tuy nhiên, có đến 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Trong đó, khối các địa phương mặc dù thấp nhưng cũng ở ngưỡng từ hơn 15% đến hơn 35%; còn các bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào, cá biệt như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có bộ, ngành gần như chưa giải ngân (giải ngân dưới 1%). Với những bộ có kế hoạch vốn giao lớn như Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo giải ngân vẫn thấp, dưới 30% kế hoạch vốn.

Phải kiên quyết điều chuyển vốn nếu giải ngân chậm

Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018, 2019, qua đó thấy được nguyên nhân vướng mắc nên Bộ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ Tài chính, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn thường tập trung vào một số nguyên nhân, như vướng mắc trong công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn: một số dự án sử dụng vốn TPCP và vốn ODA được trung ương phân bổ cao hơn số đã được chủ đầu tư đăng ký nhu cầu vốn; một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao vốn nên không thể giải ngân; phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án… Chính vì các vướng mắc nêu trên, một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng. Vì vậy, kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau.

Vướng mắc liên quan đến giai đoạn triển khai và thực hiện kế hoạch, được cho là căn bệnh trầm kha nhiều năm nay bởi những nguyên nhân không mới, như: chậm hoàn thiện thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán; công tác đấu thầu còn nhiều bất cập; giải phóng mặt bằng chậm; chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn được giao… Một nút thắt lớn đối với việc triển khai các dự án đầu tư công hiện nay đó là giải phóng mặt bằng. Ở các tỉnh, thành phố, công tác giải phóng mặt bằng đều gặp khó khăn và chậm do các vấn đề liên quan tới việc xác định giá đền bù…

Kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch, tránh để cuối năm mới điều chỉnh kế hoạch gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, để kịp thời xử lý đối với kế hoạch còn lại các tháng cuối năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có báo cáo về danh mục các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% và tự đề xuất phương án cắt giảm, điều chuyển.

Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến cả nước để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục công khai, “điểm mặt, chỉ tên” những đơn vị giải ngân chậm và điều chuyển vốn đối với những dự án chậm, muộn cho các dự án có nhu cầu và giải ngân vốn nhanh. Theo ông Lê Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), dù chính sách có hoàn thiện, sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc đến đâu nhưng khâu tổ chức thực hiện, con người thực hiện không đồng bộ thì kết quả cuối cùng cũng không được như mong đợi. Thực tiễn trong quá trình kiểm tra cho thấy, đối với các địa phương được bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh quyết liệt chỉ đạo các giám đốc sở, ban quản lý dự án thì kết quả giải ngân rất tốt, cao hơn mặt bằng chung cả nước./.

* Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Dồn giải ngân vào cuối năm tạo áp lực lớn về chất lượng công trình

Chung

Các dự án ĐTC từ nguồn NSNN chính là sử dụng từ nguồn đóng thuế của nhân dân, nên các vấn đề như chất lượng dự án, tiến độ giải ngân dự án… luôn được cử tri, dư luận hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, ĐTC đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song điều này chỉ hiện thực hóa khi nguồn vốn được giải ngân, chứ không phải là những dự án nằm mãi trên giấy hay chỉ thực hiện được vài ba công đoạn ban đầu.

Việc chậm giải ngân vốn ĐTC hay giải ngân dồn vào những tháng cuối năm sẽ tạo nên áp lực rất lớn về tiến độ thi công, chất lượng dự án, công trình… Trên thực tế ghi nhận, nhiều dự án ở 2, 3 tháng cuối năm, ồ ạt triển khai mỗi hạng mục một tý cốt làm sao công trình đạt được tiến độ thanh toán, dẫn đến chất lượng không được như mong muốn. Do đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn ĐTC, cũng như thay đổi “mô hình” truyền thống là dồn giải ngân vào các tháng cuối năm. Trong đó đặc biệt, cần gia tăng những chế tài mạnh mẽ xử lý cán bộ cố tình làm chậm giải ngân vốn ĐTC, cũng như cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để thúc đẩy việc thực hiện giải ngân vốn ĐTC.

* Ông Lê Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính):

Bộ Tài chính đã rất tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Anh

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những bức xúc trong việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt. Mới đây, công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2019. Giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến ngày 30/9 nếu dự án nào không có khả năng thực hiện, không giao được vốn thì sẽ bị thu hồi.

Theo số liệu báo cáo chúng tôi tổng hợp được, cuối tháng 8 vừa qua còn 35 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ nhưng chưa đủ điều kiện để giao vốn, trên cơ sở cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 30/9 sẽ có báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ… Tất cả các giải pháp này đã đề cập nhiều lần trong các năm qua nhưng kết quả thực hiện vẫn vướng mắc. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã rất tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trung bình khoảng 2 tháng, Bộ có công văn gửi trực tiếp tới các bộ, địa phương để đôn đốc, nhắc nhở, đốc thúc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết vốn, nhập Tabmis, thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư để đưa ra thanh toán... Bộ Tài chính cũng đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với các chủ đầu tư, các bộ, ngành để cùng trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn, đồng thời có kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đưa vào chỉ đạo thực hiện.

* Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:

Kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả

Vu Anh

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần nhiều giải pháp mạnh và hiệu quả, trong đó có giải pháp tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thông qua việc kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm, hay thậm chí chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định để tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, có thể cho phép những dự án đầu tư tốt được đầu tư vượt tiến độ kế hoạch để sớm đưa vào khai thác.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những chủ đầu tư dự án tốt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đi đôi với giải ngân vốn kịp thời theo đúng tiến độ, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Vấn đề quyết định tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đó là lựa chọn đúng những dự án tốt, hướng nguồn vốn đầu tư công vào các dự án này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời đảm bảo tốc độ giải ngân vốn phù hợp với tiến độ thực của mỗi dự án. Từ kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các năm trước, cần rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện về luật pháp, cơ chế quản lý vốn đầu tư công đi đôi với củng cố kỷ luật chi NSNN, trong đó có chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN, giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Chỉ có như vậy, đầu tư công mới góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Minh Anh - T.T - Thiện Trần (ghi)