![]() |
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh minh họa |
Nơi tiến bộ, nơi chưa
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đưa tỷ lệ giải ngân tăng cao.
Tại tỉnh Lào Cai, ước 3 tháng đầu năm, địa phương đã giải ngân được 1.113 tỷ đồng, đạt 20,8% so với tổng kế hoạch vốn năm 2025 của tỉnh (trên 5.351 tỷ đồng) và đạt trên 22,8% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 4.863 tỷ đồng). Với tỷ lệ này, Lào Cai đang tiếp tục đứng trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Kết quả này đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tại địa phương ngay từ đầu năm. Theo đó, để thúc đẩy việc “tiêu tiền” cho các dự án đầu tư công, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị ban hành kế hoạch và cam kết giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Trong các địa phương có tiến bộ về giải ngân phải kể đến Bắc Kạn. Là một tỉnh luôn có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước, nhưng từ đầu năm đến nay, với sự chủ động và quyết liệt trong triển khai các giải pháp, tỉnh đã vươn lên đứng thứ 2 trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước khi đạt 27,7% so với tổng kế hoạch vốn (gần 3.402 tỷ đồng) và đạt trên 28,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 3.266 tỷ đồng).
Các giải pháp được tỉnh thực hiện hiệu quả phải kể đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch là yếu tố then chốt quyết định tiến độ của dự án, nhưng lại là khâu khó khăn nhất trong công tác giải ngân. Theo đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các chủ đầu tư, các sở, ban, ngành và UBND các huyện tập trung cao độ vào việc giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, tỉnh đã lắng nghe và có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng. Do đó, người dân đã đồng tình và bàn giao mặt bằng đúng thời gian, giúp cho các dự án được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn còn yêu cầu các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi đầu năm để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, mặc dù đã hết quý I, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn tới 17 bộ, ngành chưa giải ngân và 16 bộ, ngành cùng 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 5%. Do đó, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của cả nước vẫn đạt thấp, thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm trước khi mới đạt 8,98% kế hoạch và 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Giải ngân không thể chần chừ
Theo quy luật từ nhiều năm trong giải ngân vốn đầu tư công là “đầu năm thong thả”, nhưng "cuối năm vất vả". Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại nhiều địa phương đã tập trung cao độ cho công tác này với nhiều chỉ đạo và giải pháp được đưa ra.
Đơn cử như tỉnh Bình Dương, để phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch, tỉnh này đã giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân của của các dự án.
Để tập trung cao độ cho công tác giải ngân, tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các bước từ khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, rà soát tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh, đôn đốc, nhắc nhở và thẳng thắn phê bình các đơn vị, chủ đầu tư chậm trễ trong giải ngân…
Trước tiến độ giải ngân của cả nước còn chậm, ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay đã cho thấy sự “sốt ruột” của người đứng đầu Chính phủ với công tác này.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương này kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để chậm trễ. Đồng thời, Thủ tướng cũng phê bình các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước.
"Yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, xác định rõ các vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền", Công điện của Thủ tướng nêu rõ...
Với sự đốc thúc của người đứng đầu Chính phủ, công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ không thể chần chừ mà cần phải được tăng tốc ngay từ bây giờ để đạt được tỷ lệ 95% như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Việc đạt được mục tiêu này là một trong những động lực quan trọng để giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 như Chính phủ đặt ra.
Giải ngân vốn đầu tư công là ưu tiên hàng đầu Tại Công điện số 32/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của thủ trưởng ở tất cả các cấp, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. |