Kênh dẫn vốn quan trọng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, cơ quan quản lý đang băn khoăn lo lắng về tương lai của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để có khung pháp lý chuẩn hơn cho thị trường phát triển, cần nhìn nhận vai trò rất quan trọng của thị trường này.

Giải pháp phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Các diễn giả nêu giải pháp phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng.

“Ngoài vai trò là kênh huy động vốn, thị trường trái phiếu góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, việc phát hành TPDN góp phần đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính khi thị trường TPDN phát triển. Đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và DN hay tổ chức khác, hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa; huy động vốn cả trong và ngoài nước bằng cách đầu tư qua quỹ hay trực tiếp” – TS. Cấn Văn Lực nói.

Nhiều dư địa để phát triển

Về giải pháp phát triển thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm nên để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để DN không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính, trong khi thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn rất nhiều dư địa phát triển. Cụ thể, quy mô thị trường vốn hiện chiếm khoảng 17,5% GDP, rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%; Hàn Quốc 87% GDP; Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP… trong khi quy mô nền kinh tế của những quốc gia này là rất lớn.

Chuyên gia này cũng chia sẻ một số thông tin về thị trường TPDN Việt Nam như thông tin về mặt cơ cấu nhà phát hành trái phiếu năm 2021 (DN bất động sản chiếm 39%; tổ chức tín dụng chiếm khoảng 35%; lĩnh vực xây dựng 5,4%; công ty chứng khoán 3,3%...), về chủ thể phát hành (gồm hai chủ thể chính là DN bất động sản và tổ chức tín dụng), về nhà đầu tư (ngân hàng thương mại chiếm 30%; công ty chứng khoán 30 - 31%; tổ chức khác 26%; nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 5% - 10%), về tài sản đảm bảo…

Khuyến khích thành lập nhiều công ty xếp hàng tín nhiệm

Một giải pháp quan trọng được các chuyên gia đề cập, đó là việc xếp hạng tín nhiệm khi DN cần huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Singapore, Hàn Quốc… là những quốc gia có thị trường TPDN phát triển khá tốt, nhưng không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.

Tại Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Nhưng Việt Nam có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, nên cần phải cân nhắc, cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của DN. Song song với đó là xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn.

TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị giải pháp về thị trường thứ cấp như theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền huy động sau phát hành. Do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để thực hiện giám sát, kiểm soát dòng vốn sau phát hành hiệu quả, nên vấn đề chủ yếu là cam kết của DN ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo DN. Sau đó, nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để mua TPDN thì các quỹ này sẽ có trách nhiệm theo dõi. “Ngoài ra, tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên, gia tăng chất lượng nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong lần sửa đổi này, chúng tôi đang tham vấn, kiến tạo thị trường mà vẫn kiểm soát được rủi ro…” – TS. Cấn Văn Lực nói.

Xử lý dứt điểm những vụ việc đã xảy ra

“Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả” - TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.