doanh

Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam bình luận về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DNNVV của Bộ Tài chính, với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về một số giải pháp thuế nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển, Bộ Tài chính mới đây đề xuất mức thuế TNDN cho DNNVV sẽ giảm còn 17%. Theo ông, việc giảm thuế này có ý nghĩa như thế nào đối với DN?

- Ông Tô Hoài Nam: Hiện nay, chính sách thuế TNDN đang được điều chỉnh giảm dần từ 32% xuống 28%, 25%, 22% và nay là 20% với DN lớn và 17% với DNNVV; tới đây có thể tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa chi phí tính thuế và chi phí thực tế ngày càng thu hẹp.

Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư…

Việt Nam đang có khoảng 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tôi cho rằng, nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức trên sẽ chuyển sang thành DN và số DN tăng thêm này có thể giải quyết thêm khoảng 8,2 triệu việc làm.

nam
Ông Tô Hoài Nam

Ngoài ra, trong bối cảnh “sức khỏe” của DNNVV vẫn còn yếu, thì việc tiếp sức của Nhà nước thông qua chính sách thuế là rất quan trọng giúp DN có thể vượt lên. Các DNNVV (chiếm hơn 90% tổng số DN) có trụ vững và đi lên thì mới có được một cộng đồng DN vững mạnh. Cùng với những nỗ lực của Bộ Tài chính, cộng đồng DN cũng kỳ vọng vào sự chuyển động của nhiều bộ ngành khác để có những giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN.

* PV: Cùng với việc giảm thuế, ngành Thuế cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế. Ông đánh giá như thế nào về những cải cách này?

- Ông Tô Hoài Nam: Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014, 2015, 2016 của Chính phủ, ngành Thuế đã thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa một cách mạnh mẽ thông qua việc bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC. Chuyện giảm giờ tuân thủ về thuế mà Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện thực sự là bước đột phá trong cải cách TTHC, được cộng đồng DN đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều DN nói với tôi rằng, họ rất ngỡ ngàng vì những cải cách mà ngành Thuế thực hiện thời gian qua.

Tôi được biết, để giảm thời gian như vậy, Bộ Tài chính đã có những biện pháp rất cụ thể, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử… Việc làm này rất có lợi, bởi khi người nộp thuế và cán bộ thuế không tiếp xúc trực tiếp thì cũng hạn chế nảy sinh tiêu cực. DN cũng vì thế giảm đi chi phí không chính thức – không biết hạch toán vào đâu.

* PV: Có ý kiến cho rằng, song song với những cải cách về mặt TTHC, ngành Thuế cần phải cải cách về cách thức quản lý theo hướng phục vụ DN tốt hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Tô Hoài Nam: Đánh giá về đội ngũ cán bộ thuế, nhiều cuộc khảo sát của các đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài… đều cho những kết quả tích cực, ghi nhận những nỗ lực của cơ quan thuế, cả về văn hóa ứng xử, trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Song bên cạnh đó, đôi lúc, ở một vài nơi, vẫn có những cán bộ công chức thuế chưa làm hết trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao khiến DN e ngại, chưa hài lòng. Do đó, tôi cho rằng, việc đổi mới, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức thuế là một nhu cầu bức thiết để quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế đem lại nhiều kết quả hơn nữa, hướng tới phục vụ DN ngày càng tốt hơn.

* PV: Là người đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DNNVV, ông kỳ vọng như thế nào vào những cải cách thuế trong thời gian tới?

- Ông Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện cải cách mạnh mẽ của ngành Thuế như trong thời gian qua, thì những mục tiêu mà ngành Thuế đã đặt ra như phấn đấu đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN 4 về TTHC thuế, hay tiếp tục giảm thời gian tuân thủ thuế… sẽ đạt được theo yêu cầu của Nghị quyết 19.

Thuế là một trong những chính sách có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Vì vậy, cộng đồng DN luôn mong chờ, kỳ vọng vào những cải cách đột phá mạnh mẽ hơn nữa của ngành Thuế trong thời gian tới. Qua đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triền mạnh mẽ, bền vững cũng như cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)