* PV: Với số liệu Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy nợ công đã ở mức sát trần. Đâu là nguyên nhân chính khiến nợ công tăng cao, thưa ông?
- Ông Trương Hùng Long: Nhìn lại diễn biến nợ của nước ta, có thể thấy thời gian qua chúng ta đã thực hiện thành công việc tái cơ cấu nợ nước ngoài, đưa quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ ở mức nguy hiểm (147% GDP vào năm 1993) xuống 33% GDP vào năm 2000, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây do cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) gặp khó khăn nên dự toán NSNN hàng năm mới bố trí chi trả đủ các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ; đối với chi trả nợ trong nước chỉ bố trí được một phần.
Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công chưa cao. Thời gian qua, nguồn vốn vay chủ yếu được ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án đầu tư công (khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015), song hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) khu vực nhà nước mặc dù đã giảm xuống 8,94%, tuy nhiên vẫn cao so với ICOR cả nền kinh tế, điều này cho thấy hiệu quả thấp, sự lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực.
Hơn nữa, việc phân bổ sử dụng vốn còn dàn trải, tập trung vào tăng quy mô, mở rộng diện. Các đơn vị thụ hưởng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển nằm rải rác tại các bộ, ngành trên mọi vùng và địa phương. Phạm vi, đối tượng cấp bảo lãnh chính phủ còn rộng, trị giá lớn ngày càng tăng, đặc biệt là ngành điện, khai khoáng, dầu khí, đường cao tốc, hàng không.
|
Ngoài ra, việc phê duyệt chủ trương đầu tư mới chỉ căn cứ vào đề xuất danh mục các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các hạn mức nợ, khả năng trả nợ, đảm bảo an toàn nợ và cân đối với các nguồn vốn đầu tư công khác…
* PV: Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, dự kiến cuối năm 2016 nợ công ở mức 64,9% GDP và cho dù chưa vượt trần chính thức nhưng rõ ràng con số này chỉ “đánh lừa thị giác” bởi nó không khác biệt ý nghĩa với con số 65% GDP. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
- Ông Trương Hùng Long: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ, trình Quốc hội về kế hoạch vay trả nợ công giai đoạn 2016 – 2020. Theo tính toán, trong năm 2016, nợ công là 2 triệu 989 nghìn tỷ đồng (nợ chính phủ là 2 triệu 443 nghìn tỷ đồng, nợ chính phủ bảo lãnh là 501 nghìn tỷ đồng, nợ chính quyền địa phương là 45 nghìn tỷ đồng). Theo cách tính của Bộ Tài chính và dựa trên số liệu dự báo về tăng trưởng GDP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thì nợ công bằng 64,9% GDP.
Cũng theo tính toán, số dư nợ công tính trên kế hoạch về huy động và giải ngân của năm 2016 là 411,6 nghìn tỷ đồng (trong đó ODA là 101,5 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu trong nước 250 nghìn tỷ đồng và các nguồn huy động khác từ trong nước như từ bảo hiểm xã hội, ngoại tệ trong nước, SCIC 60,1 nghìn tỷ đồng). Nếu GDP giữ ở mức 4 triệu 600 nghìn tỷ đồng (con số dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì Bộ Tài chính sẽ kiểm soát an toàn nợ công đúng theo kịch bản đề ra. Nếu vượt quá con số này thì rất khó kiểm soát, chúng ta phải chịu rủi ro.
Thực tế, kế hoạch nợ công được tính trên con số đi vay của tất cả các kênh, là số tuyệt đối. Vay bao nhiêu thì hạch toán vào nợ công bấy nhiêu. Các con số tuyệt đối đó được phê duyệt bởi Quốc hội, Chính phủ. Bộ Tài chính điều hành, quản lý, tính toán đều dựa trên các số liệu tuyệt đối.
Cụ thể, số nợ công năm 2016 là 2 triệu 989 nghìn tỷ đồng được dựa trên con số tuyệt đối của các khoản đi vay. Với tỷ lệ nợ công 64,9% GDP hiện nay, là số tuyệt đối được tính toán dựa trên nền kinh tế vĩ mô đi lên, đó là phụ thuộc nhiều tỷ lệ tăng trưởng thực của nền kinh tế, phụ thuộc vào chỉ số giảm phát GDP nghĩa là giá tính vào GDP.
Thực tế con số 64,9% GDP không phải là “đánh lừa thị giác” mà xuất phát từ căn cứ thực tế, theo kế hoạch, đúng quy định của Luật Quản lý nợ công để ép nhu cầu nợ xuống.
Về nguyên tắc, mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát nợ công trong giới hạn, cho nên con số 64,9% GDP được Bộ Tài chính tính toán với cả việc siết chặt bảo lãnh chính phủ (khoản vay nước ngoài và trong nước, bảo lãnh vay ngân hàng chính sách xã hội). Bộ Tài chính thực hiện theo phương pháp tính chạm trần để kiểm soát từng khoản nợ.
Theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, bình quân bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay nước ngoài mỗi năm là 2,5 tỷ USD, bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay bảo lãnh trong nước cho các dự án khoảng 10.000 tỷ đồng, bảo lãnh cho 2 ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ bình quân tăng 10%.
Còn trong giai đoạn 2016 -2020, chúng tôi không thực hiện bảo lãnh mới của nước ngoài, không bảo lãnh mới cho các dự án trong nước, duy trì mức bảo lãnh của hai ngân hàng chính sách ổn định - nghĩa là hai ngân hàng chính sách thu khoản nợ được bao nhiêu thì sẽ được vay khoản mới tương ứng. Đồng thời những dự án đã được bảo lãnh thì vẫn cho tiếp tục; những dự án đã có chủ trương nhưng chưa giải ngân thì Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ cho rà soát lại.
Bên cạnh đó, bội chi ngân sách của năm 2016 phải giữ theo chỉ tiêu của Quốc hội. Năm 2017 – 2018 vẫn phải siết chặt bội chi, đảm bảo lộ trình đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Trung ương, khoảng 3,9% GDP.
* PV: Nhiều ý kiến băn khoăn về nợ trong nước đang có dấu hiệu tăng lên, dẫn đến rủi ro về lãi suất, áp lực trả nợ tăng cao, vậy quan điểm của ông như thế nào?
- Ông Trương Hùng Long: Băn khoăn là đúng. Trong 5 năm vừa qua nợ công tăng rất nhanh, bình quân tăng khoảng 18%/năm, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng hơn 3 lần.
Trong các khoản nợ thì nợ chính phủ tăng là chủ yếu (nợ trong nước của chính phủ tăng nhanh). Trong giai đoạn 2011 - 2013, tình hình kinh tế trong nước khó khăn nên huy động trái phiếu chính phủ ngắn hạn rất cao, chiếm khoảng 80% số huy động. Chính vì việc huy động trái phiếu ngắn hạn cao nên điểm rơi trả nợ sau 3 năm tập trung vào năm 2015, 2016, 2017.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là từ năm 2014 đến 2015, Bộ Tài chính đã nhìn thấy được điều đó và đã báo cáo Chính phủ cho phép kéo dài các kỳ hạn của trái phiếu trong nước. Như vậy đã giảm áp lực trả nợ sau 2017. Tháng 9/2015, Quốc hội có nghị quyết là không cho phép huy động vốn trái phiếu trong nước với thời gian dưới 3 năm.
Ngoài ra, việc tăng nhanh cũng liên quan tới rủi ro lãi suất, áp lực trả nợ cao. Trong giai đoạn 2011 - 2013, Chính phủ huy động trái phiếu ngắn hạn với lãi suất cao, có những khoản vay 5 năm cỡ khoảng 10% đến 13%/năm. Từ năm 2014, nền kinh tế ổn định hơn, chúng ta đã kiên trì kéo lãi suất xuống, bình quân từ 6% -7%/năm. Như vậy từ 2014 đến nay, chúng ta đã kéo dãn được kỳ hạn huy động, hạ mặt bằng lãi suất huy động.
Tôi cho rằng chúng ta trải qua một thời kỳ dài duy trì tăng trưởng kinh tế cao, huy động lượng vốn lớn cho đầu tư qua đó đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được kỳ vọng đề ra. Tuy nhiên, nếu tiếp tục huy động vốn như thế nữa thì rủi ro vượt trần lãi suất và khả năng trả nợ từ ngân sách là khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, muốn an toàn được thì chúng ta phải biết kiềm chế, tính tới việc giảm bớt tỷ trọng đầu tư từ phía Nhà nước, kích thích đầu tư từ xã hội, đầu tư từ khu vực doanh nghiệp và dân doanh. Muốn kiểm soát được đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn này, chúng ta nên thực hiện ngân sách thắt chặt, nghĩa là tăng việc thu, giảm chi tiêu từ phía nhà nước, tiến tới giảm bội chi. Có nghĩa trong bối cảnh này, cần giữ an toàn nợ công hơn tăng trưởng nóng.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Minh