Chưa đông, cũng chưa mạnh
Hiện trên toàn quốc có gần 1.000 doanh nghiệp được công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan (ĐLHQ), với gần 3.000 cá nhân được cấp mã nhân viên ĐLHQ. Số nhân viên này theo quy định của pháp luật Việt Nam phải là nhân viên ký hợp đồng lao động chính thức, dài hạn tại các doanh nghiệp được công nhận là ĐLHQ. Kênh ĐLHQ đã đặt nền móng cho sự phát triển các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn toàn quốc, nhất là logistics phát triển; giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan bớt nhiều “phiền toái” do nhân viên làm thủ tục không nghiên cứu đầy đủ pháp luật.
Đa số ĐLHQ nghiêm túc tuân thủ pháp luật hải quan, thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ theo quy định và có tinh thần phối hợp, hợp tác tốt với cơ quan hải quan. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn trường hợp ĐLHQ không ký kết hợp đồng với chủ hàng mà chỉ thực hiện hoạt động khai thuê (nhập các chỉ tiêu thông tin khai báo, làm thuê các thủ tục bến bãi, điều xe, bốc xếp hàng hóa...), còn việc đứng tên trên tờ khai hải quan, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và các khoản phải thu khác vẫn do chủ hàng tự thực hiện.
Ghi nhận tại một số địa bàn, cửa khẩu vẫn có tình trạng một số cá nhân làm dịch vụ XNK tự phát, không bài bản, không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế mà nhận khoán làm thủ tục hải quan theo từng lô hàng… đã làm giảm tính cạnh tranh của hoạt động ĐLHQ. Hơn thế các cá nhân này lại không có trách nhiệm ràng buộc với chủ hàng, không có ý thức tuân thủ pháp luật tốt, xảy ra lỗi thường đổ trách nhiệm cho chủ hàng… làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động cầu nối giữa cơ quan hải quan và chủ hàng; đồng thời dẫn đến hiểu lầm về vai trò của ĐLHQ, làm giảm uy tín của các ĐLHQ trong hoạt động XNK.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Thế Dương |
Thực tế này cho thấy, hoạt động của các ĐLHQ chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhiều ĐLHQ chưa hoạt động đúng với vai trò, tư cách của ĐLHQ.
Chia sẻ về nguyên nhân ĐLHQ chưa thể phát triển mạnh, ông Phan Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, đầu tiên chủ hàng chưa hiểu rõ lợi ích của ĐLHQ so với người nhận ủy quyền làm thủ tục hải quan. Họ lại quá quen với việc ủy quyền, không muốn thay đổi hoặc vẫn khắc phục được các bất cập của ủy quyền. Mặt khác, chủ hàng chưa tin tưởng ĐLHQ và không muốn dùng chữ ký số của ĐLHQ cho khai báo hải quan hàng hoá của mình; không muốn đóng hộ tiền thuế và hoạt động này không kinh tế.
Về mặt chính sách, theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay, các văn bản pháp luật về chính sách ưu tiên, khuyến khích hoạt động của ĐLHQ chưa rõ ràng, chưa có sự phân biệt giữa ĐLHQ và người làm thủ tục tại cơ quan hải quan. Thủ tục thông quan thực hiện bởi kênh ĐLHQ còn phức tạp, thậm chí nhiều quy trình hơn, trách nhiệm của các ĐLHQ còn nặng nề hơn cá nhân làm dịch vụ giao nhận tại cửa khẩu.
Sẽ có chính sách ưu tiên
Hoạt động XNK thông qua kênh ĐLHQ đang là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, việc quan tâm phát triển ĐLHQ là hết sức quan trọng. Để phát triển được, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua.
Theo ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện phía Bắc của Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam, một rào cản lớn là việc vẫn còn một số hạn chế đối với khai thuê hải quan khi trở thành ĐLHQ như không đủ chức năng, giấy phép hoạt động theo ĐLHQ; chưa có đủ nguồn lực, cơ sở vật chất thực hiện. Cùng với đó, ĐLHQ chịu giám sát và báo cáo, thêm trách nhiệm nhưng chưa được hưởng ưu đãi rõ ràng.
Đại lý hải quan vẫn chưa thực sự phát huy được chức năng cầu nối Các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất xuất nhập khẩu thường trực tiếp có đội ngũ nhân viên đại lý hải quan (ĐLHQ) riêng của mình. Còn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, chủ hàng quốc tế thường lựa chọn ký kết với các doanh nghiệp ĐLHQ lớn, có đội ngũ nhân viên đông, hoạt động trải rộng trên phạm vi toàn quốc. Do đó, các ĐLHQ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng kết nối, tiếp cận được các doanh nghiệp, chủ hàng tương đối khó khăn, chưa thực sự phát huy được chức năng làm cầu nối giữa cơ quan hải quan và chủ hàng. |
Còn theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần đánh giá rõ bản chất, vai trò, vị trí của ĐLHQ trong quy trình làm thủ tục hải quan; giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân hoạt động tự do, tự phát với ĐLHQ; áp dụng những chính sách ưu tiên, ưu đãi, tạo thuận lợi đối với việc thực hiện thủ tục thông qua ĐLHQ.
Về phía cơ quan chức năng, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu một số nội dung để triển khai áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp ĐLHQ. Cụ thể, khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, kim ngạch, các điều kiện khác... thì được công nhận là ĐLHQ ưu tiên. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế, được ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan trước...; chủ hàng hóa, chủ phương tiện cũng được hưởng chế độ ưu tiên khi ủy quyền cho đại lý ưu tiên.
Những định hướng kể trên sẽ được cụ thể hóa tại dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính.