Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng: Giúp nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng

PV: Bà nhìn nhận, phân tích và đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Nhà nước cho sự phục hồi phát triển kinh tế đất nước trong thời điểm hiện nay?

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế rơi vào suy giảm thì Chính phủ sẽ áp dụng phối hợp nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm. Trong đó, chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) được đa số chính phủ các nước phối hợp sử dụng. Để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, Chính phủ sẽ thực thi CSTK mở rộng bằng việc giảm thuế, tăng đầu tư công. Bên cạnh thực thi CSTK mở rộng, Chính phủ còn thực thi CSTT mở rộng bằng việc giảm lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào, cũng như dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mở rộng quy mô sản xuất.

Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng: Giúp nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng
PGS.TS Hồ Thủy Tiên

Để đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế các năm tiếp theo, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,3% GDP. Đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Nguồn vốn hỗ trợ sẽ được giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023. So sánh với mức hỗ trợ của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (3,9% GDP) thì gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cao hơn (4,3% GDP). Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ là làm sao tạo điểu kiện cho người lao động và doanh nghiệp nhanh chóng quay lại sản xuất, cũng như mục tiêu tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững.

Gói hỗ trợ này được Chính phủ sử dụng phối hợp cả CSTK và CSTT. Trong đó, gói hỗ trợ từ CSTK trị giá 291 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83%; gói hỗ trợ từ CSTT trị giá 49 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%; gói hỗ trợ từ nguồn ngoài ngân sách là 10 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3%.

Trong gói hỗ trợ 291 nghìn tỷ đồng từ CSTK, có gần 114 nghìn tỷ đồng chi cho cho phát triển kết cấu hạ tầng. Phần tiếp theo, khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, 14 nghìn tỷ đồng dành cho nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng bảo lãnh của Chính phủ cho ngân hàng chính sách 38 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ người lao động hơn 6 nghìn tỷ đồng. Trong gói hỗ trợ 49 nghìn tỷ đồng từ CSTT, thì quan trọng nhất là cấp bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (khoảng 40.000 tỷ đồng).

Có thể thấy, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể hiện ở việc Chính phủ dành đến 1/3 gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng. Bởi vì hệ thống kết cấu hạ tầng có phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

PV: Vậy, để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, theo bà, các bộ, ngành, địa phương cần linh hoạt những nhiệm vụ trong tâm, trong điểm nào?

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Một điểm đáng ghi nhận trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng đã được triển khai ngay trong tháng 2/2022, đó là Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%. Đây là chính sách được đánh giá có tác động đến mọi giao dịch trên thị trường, trong đó người bán, cũng như người mua đều được hưởng lợi.

Một nội dung rất mới và được các doanh nghiệp và người dân quan tâm rất nhiều, đó là giảm lãi vay 2% nhưng chưa được triển khai. Đối tượng nào được giảm lãi vay? Giảm cho khoản vay mới hay khoản vay cũ? Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ để soạn thảo các văn bản hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí, cũng như là các đối tượng để được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiếm tỷ trọng đến 1/3 trị giá của gói hỗ trợ là đầu tư công. Tuy nhiên, triển khai gói hỗ trợ này muốn nhanh là khá khó khăn vì liên quan đến trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Theo Luật Đầu tư công 2019 và hướng dẫn của Nghị định 40/2020/NĐ-CP, thì các dự án đầu tư công cần thực hiện qua 3 bước:

Bước 1: Lập, phê duyệt và giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm. Bước 2: Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Bước 3: Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công.

Rõ ràng, để đưa dự án vào đầu tư thì quy trình, thủ tục phải tính bằng năm chứ không phải tính theo tháng, trong khi gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong năm 2022 và năm 2023. Vậy, để gói hỗ trợ gần 114 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công đi vào thực hiện được thì cần có hướng dẫn riêng, hoặc cơ chế đặc thù mới giải ngân nhanh, từ đó mới thực sự tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Theo bà, ngay trong thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2022 và những tháng tiếp theo, lộ trình thực hiện chính sách này cần ưu tiên và đẩy mạnh những nhiệm vụ cụ thể nào?

PGS.TS Hồ Thủy Tiên: Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan gắn với tiến độ, thời gian, cũng như các hình thức triển khai thực hiện. Vấn đề còn lại là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, theo tôi, để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, cần ưu tiên triển khai các vấn đề sau đây:

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các chính sách và phối hợp điều chỉnh ngay những vướng mắc thuộc phạm vi lĩnh vực của mình. Cần thiết thì ban hành ngay cơ chế đặc thù, hay quy định riêng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ví dụ: trong đầu tư công, quy định là phải đấu thầu thì có thể có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu nếu đây là dự án đầu tư công thuộc chương trình phục hồi kinh tế.

Các chính sách ban hành tập trung vào các đối tượng thực sự cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% tập trung cho các dự án sản xuất, tạo công ăn việc làm, các dự án liên quan chuyển đổi số, phát triển du lịch. Nếu các dự án có quy mô giải quyết việc làm từ 10 lao động trở lên thì được hỗ trợ thủ tục vay vốn, ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khoản vay cũ…

Nhanh chóng ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Nghị quyết 11/NQ-CP có nêu rõ thời gian thực hiện cho việc hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà. Bây giờ đã gần cuối tháng 3, nếu không quyết liệt thì e rằng hết tháng 6 người lao động vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

PV: Xin cảm ơn bà!

Chính phủ quyết tâm phục hồi nền kinh tế

Với quy mô và nội dung của gói hỗ trợ lần này cho thấy, Chính phủ đã rất quyết liệt nhằm đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách để vững bước đi lên. Gói hỗ trợ đã tiếp thêm sức mạnh tài chính cho các doanh nghiệp sau đại dịch. Về cơ bản, gói hỗ trợ đáp ứng được mong muốn của cộng đồng

doanh nghiệp và người dân. Đây là gói hỗ trợ rất thiết thực, đặc biệt hỗ trợ lãi suất 2% và giảm thuế giá trị gia tăng 2% thực sự là “liều thuốc” hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giảm chi phí và có thêm nguồn vốn để phục hồi kinh doanh.