Hà Nội đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.

Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trên địa bàn TP. Hà Nội, do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 8/8.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TƯ, bà Đinh Thị Lan Duyên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, việc thực hiện mục tiêu của nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của Thủ đô, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của nhân dân.

Thành phố đã hoàn thành phê duyệt, ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới trường học TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Về nhiệm vụ thời gian tới, thành phố đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với các cơ quan trung ương. Trong đó, thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố kiến nghị nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mỗi cơ sở giáo dục được bố trí không quá 2 cấp phó. Theo đó, nên quy định số lượng cấp phó theo quy mô số lớp và đặc thù riêng của mỗi cơ sở giáo dục...

Năm học 2022 - 2023, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế).

Thống kê từ năm học 2014 - 2015 đến tháng 3/2023, học sinh Hà Nội đạt được tổng số 1.249 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia; 124 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, trong 10 năm qua, thành phố đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này và tiếp tục đầu tư tương tự như vậy trong 10 năm tới. Điều đó cho thấy, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục - đào tạo...

Nhất trí với nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó các huyện “xích gần hơn” với các quận về công tác này...

Đồng thời, yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Đối với các đơn vị liên quan, cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường, thể thao học đường vì mục tiêu phát triển toàn diện; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Trong đó các tập thể gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Đảng bộ quận Cầu Giấy; Quận uỷ Hoàn Kiếm, UBND quận Đống Đa; Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện Ba Đình, Hà Đông, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì và trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên).