Gấp rút hoàn thành các dự án quan trọng

Theo UBND TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho thành phố là 51.582,9 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành phố đã hoàn thành công tác nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đảm bảo giải ngân kịp thời cho các dự án đầu tư.

Chính quyền TP. Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm khác.

Ga S8 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Hà Hạnh
Ga S8 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Hà Hạnh

Với tinh thần quyết tâm cao ngay từ đầu năm, hàng loạt dự án lớn trên địa bàn thành phố đã được triển khai quyết liệt. Điển hình là dự án huyết mạch quan trọng đường vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có tổng chiều dài khoảng 5,1 km với tổng vốn đầu tư 9.459 tỷ đồng; đến thời điểm này tiến độ toàn dự án ước đạt 75% khối lượng công việc. Hiện nay toàn bộ dự án đường vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ phần đường trên cao trong năm 2023.

Là 1 trong 6 công trình giao thông trọng điểm cấp bách trên địa bàn Thủ đô được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội, Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân được gần 47% kế hoạch vốn năm 2022 và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm nay. Dự kiến, thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2023. Dự án này nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2; tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.

Cùng với đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt khoảng 74,9%, trong đó đoạn trên cao đạt 95,7%, đoạn ngầm đạt 33%. Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5 km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022; đồng thời tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4 km theo kế hoạch…

Mỗi cấp, ngành, chủ đầu tư phải nhận thức rõ nhiệm vụ giải ngân đầu tư công

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, thành phố xác định việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Số liệu từ UBND TP. Hà Nội cho thấy, ước 8 tháng đầu năm, toàn thành phố giải ngân 15.322 tỷ đồng, đạt 30%. Sau khi Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, công tác giải ngân của Hà Nội đã cải thiện rõ rệt. Cụ thể, sau 3,5 tháng, tỷ lệ giải ngân đã tăng lên gấp 2,57 lần so với 4 tháng đầu năm.

Để tăng cường tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 từ nay đến cuối năm, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Trong các chỉ đạo về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này và yêu cầu UBND TP. Hà Nội phải tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các cấp, các ngành; xác định đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ, công chức liên quan. Các ngành chức năng có các giải pháp có tính đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ hơn 90%.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư tăng tính chủ động trong phối hợp với các quận, huyện và các sở, ngành để triển khai dự án, rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện của các dự án với tinh thần nỗ lực cao nhất, lập kế hoạch cụ thể; cam kết kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố…

Đối với các dự án không có khả năng hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư là người đầu tiên chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Vì vậy, từng chủ đầu tư cần phải rà soát kỹ và đề xuất với thành phố. Các đơn vị liên quan phải rà soát đồng bộ các dự án chuyển tiếp, các dự án mới để xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên để đề xuất bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch trung hạn và hằng năm cho hợp lý…

Rà soát, tính toán kỹ lưỡng về khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thúc đẩy triển khai thực hiện, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố.

Theo kế hoạch trên, lãnh đạo thành phố yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt của các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố quyết nghị; nâng cao tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong trung hạn và hàng năm, đặc biệt là các công trình trọng điểm…

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và đủ điều kiện bố trí vốn cho các dự án. Các dự án mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cần khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để đủ điều kiện bố trí vốn và khởi công công trình. Ngay từ khâu giao chuẩn bị đầu tư cho các dự án, cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng về khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án để triển khai các bước tiếp theo, tránh lãng phí đầu tư.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các nút thắt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm. UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, nhiệm vụ chi cấp thành phố trên địa bàn để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn…

Trước đó, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua 2 nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ngân sách cấp thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP. Hà Nội. HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 43 dự án.