Hà Nội dồn lực, tăng tốc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm
Nguồn: UBND TP. Hà Nội. Đồ họa: Phương Anh

Nhiều công trình trọng điểm gấp rút thi công

Kế hoạch đầu tư năm 2025 của TP. Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024 (77.183 tỷ đồng); trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 42.500 tỷ đồng, gấp 1,18 lần so với kế hoạch năm 2024 là 36.100 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ 2 nhóm dự án

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố đối với 2 nhóm dự án trong năm 2025: Nhóm 94 dự án quá thời gian bố trí kế hoạch vốn đã được HĐND TP. Hà Nội chấp thuận kéo dài thời gian bố trí vốn theo Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019; nhóm 26 dự án đến hết năm 2024 hết thời gian thực hiện nhưng chưa được điều chỉnh dự án và còn nhu cầu vốn.

Theo số liệu thống kê mới nhất của TP. Hà Nội, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 của toàn thành phố đến hết tháng 2 là hơn 3.498 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch.

Năm 2025, TP. Hà Nội có 282 dự án được cấp vốn đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó 233 dự án chuyển tiếp, 49 dự án xây mới. Có 84 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay, trong đó 76 dự án chuyển tiếp và 8 dự án mới. Kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 gần 104,6 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với kế hoạch vốn của năm 2024, trong đó nguồn thành phố được Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 12,4 nghìn tỷ đồng, tăng 74%. Đối với các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn năm 2025 là 18.173 tỷ đồng bố trí vốn cho 16 dự án trọng điểm, bằng 20,9% kế hoạch.

Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang gấp rút thi công khẩn trương, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra. Điển hình, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,2% kế hoạch vốn.

Kết quả giải ngân trên, một mặt cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, ngành của thành phố, song mặt khác cũng phản ánh những vấn đề tồn tại lâu nay. Đó là chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; thủ tục đầu tư còn rườm rà, khiến việc chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian. Một vấn đề lớn nữa là năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu…

Xử lý nghiêm chậm trễ trong phân bổ, giải ngân

TP. Hà Nội dự kiến có 2 dự án đạt kết quả giải ngân theo kế hoạch đầu tư công năm 2025, đó là 76.245 tỷ đồng đạt 87,5% kế hoạch (trường hợp chưa tính số tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…) hoặc 82.907 tỷ đồng, đạt 95,2% (đã tính vốn bố trí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi…) và thành phố quyết tâm phấn đấu tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%.

Thực tế cho thấy, trong công tác chỉ đạo, ngay từ đầu năm lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công và mới đây lãnh đạo thành phố đã chủ trì, nghe báo cáo và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Nhấn mạnh năm 2025 là năm then chốt quyết định sự thành công của cả nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, góp phần tăng trưởng của thành phố là 8%.

Để bảo đảm việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất, TP. Hà Nội giao các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư phải xây dựng và nỗ lực, quyết tâm, dồn lực triển khai kế hoạch thúc đẩy tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm 2025.

TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư khẩn trương phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án và chủ động xây dựng Kế hoạch thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng cho từng dự án thuộc đơn vị quản lý, theo dõi. Đặc biệt, TP. Hà Nội sẽ xem xét xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

“Các dự án đầu tư công là động lực đối với thành phố; đặc biệt những công trình trọng điểm, các dự án kết nối vùng, hạ tầng khung của thành phố để dẫn dắt các nhiệm vụ khác của thành phố phát triển. Nếu các đơn vị, sở ngành, quận huyện có bất kỳ khó khăn, vướng mắc, phải báo cáo ngay tới lãnh đạo thành phố để sớm tháo gỡ, giải quyết”- ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Thành phố cũng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan; xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm...

Hà Nội tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành công văn về việc tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các tổng công ty, công ty, đơn vị thuộc thành phố nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính và các sở chuyên ngành liên quan trong việc giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, đầu tư bằng nguồn vốn khác trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Chủ động đề xuất, báo cáo UBND Thành phố thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án vi phạm về quy định về quản lý, sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và quy định pháp luật liên quan.

Các sở quản lý chuyên ngành tăng cường thực hiện giám sát chuyên ngành các dự án đầu tư theo quy định tại các Điều 54, 57, 60, 67, 73 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình lập, thẩm định, quyết định đầu tư; tình hình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán các dự án theo lĩnh vực quản lý, gửi Sở Tài chính trước ngày 10/2 năm sau đối với báo cáo năm để tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư của thành phố…