Hà Nội ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 13 quận, huyện

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, CDC Hà Nội đã có văn bản đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, ghi nhận báo cáo đầy đủ các trường hợp đến khám tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa, duy trì tần suất giám sát chủ động tại các bệnh viện được phân cấp (đảm bảo tối thiểu 2-3 lần/tuần).

Hà Nội ghi nhận 282 ca mắc chân tay miệng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ
Hà Nội ghi nhận 282 ca mắc chân tay miệng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với mạng lưới y tế trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo trên địa bàn, mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại trường học và trong cộng đồng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý sớm, triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, đặc biệt tại các trường mầm non, mẫu giáo, khi có bệnh nhân.

Bên cạnh đó, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh đối với các trường hợp mắc bệnh có phân độ lâm sàng từ 2b trở lên, hoặc các trường hợp bệnh nhân trong ổ dịch. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh tay chân miệng để nâng cao nhận thức của người dân, cha mẹ học sinh.

Theo CDC Hà Nội, thời điểm nồm ẩm như hiện nay bắt đầu “vào mùa” của dịch bệnh tay chân miệng. Điều đáng nói, khi trẻ mắc bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kịp thời sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

CDC Hà Nội khuyến cáo, hiện bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh nên bố mẹ cần chủ động thực hiện tốt 6 biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả đối với trẻ, gồm: vệ sinh tay, chân sạch sẽ với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vệ sinh đồ chơi, đồ dùng; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh.