Hà Nội hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Hà Nội hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Tổ chức 6 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố năm 2024.

Kế hoạch nêu rõ, trong năm 2024, thành phố dự kiến tổ chức 6 hội nghị đối thoại, tạo kênh trao đổi thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước; tổ chức hội nghị gặp mặt để tháo gỡ trực tiếp, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Các hội nghị sẽ được tổ chức theo các chuyên đề, bao gồm nhiều nội dung và thời gian khác nhau.

TP. Hà Nội giao các cơ quan tham mưu phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị; trao đổi và thu thập các phản ánh, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Cụ thể: Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, dự kiến trong tuần từ ngày 18 – 21/3.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến trong tháng 4.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề, dự kiến trong tháng 5.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao...), dự kiến trong tháng 6.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, dự kiến trong tháng 8.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường, dự kiến trong tháng 11.

Đây được xác định là nội dung quan trọng, điểm mới trong công tác chỉ đạo điều hành của thành phố trong năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp theo lĩnh vực, chuyên đề thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững.

Hà Nội hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Hà Nội tổ chức các sự kiện, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Cam kết tiếp tục đồng hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn cùng các doanh nghiệp

Hà Nội hiện có 373 nghìn doanh nghiệp và có đóng góp to lớn, liên tục vào tăng trưởng kinh tế, duy trì an sinh xã hội.

Đặc biệt, năm 2023 Hà Nội có hơn 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 346.000 tỷ đồng, tăng 5%; gần 9.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 8%; gần 22.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3.500 doanh nghiệp, giảm 2%.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua TP. Hà Nội triển khai nhiều biện pháp áp dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn gia nhập thị trường. Cụ thể, sở đã chủ động rà soát, vận động thực hiện 100% hồ sơ qua mạng, đối với 12 loại thủ tục về đăng ký doanh nghiệp không thu phí, lệ phí; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng xuống còn 2 ngày làm việc.

Bên cạnh đó đã tổ chức các buổi gặp mặt với một số doanh nghiệp làm công tác tư vấn, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, nhất là các đơn vị có số lượng khách hàng lớn để tuyên truyền, vận động, cùng ký cam kết tham gia đăng ký doanh nghiệp qua mạng...

Đồng thời, thành phố củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.

Ví dụ, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, 2023, trong đó: có 12.186 doanh nghiệp được gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, với tổng số thuế giá trị gia tăng được gia hạn là 16.134 tỷ đồng, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn là 22.704 tỷ đồng.

Đối với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, có 25.880 người nộp thuế được giảm với số phí là 1.145 tỷ đồng; theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ (hiệu lực từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023), có 11.884 đối tượng được giảm với số phí là 526 tỷ đồng....

Tại Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân năm 2023 Thăng Long năm 2023 cuối tháng 12/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền từng nhấn mạnh, thành phố mong muốn thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá, đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và các nước tiên tiến, đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, chính quyền thành phố cam kết tiếp tục đồng hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn cùng các doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô để vượt qua khó khăn thách thức, đón bắt các cơ hội, tiếp tục phát triển lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Thủ đô, xứng đáng với vai trò là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.

Về mục tiêu, nhiệm vụ và dự kiến kết quả đạt được năm 2024 và đến hết năm 2025, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Hà Nội dự kiến có 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của khối kinh tế ngành, như: Đảm bảo cân đối cung - cầu, kiểm soát tốt giá cả, thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu,...