Hà Nội: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Đến thời điểm này, trong số các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có 1 dự án hoàn thành (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2). Ảnh: TL

Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, theo nghị quyết của HĐND thành phố, Hà Nội sẽ triển khai 39 công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư dự kiến là trên 360.980 tỷ đồng thuộc 10 lĩnh vực. Trong đó, có 32 dự án sử dụng vốn ngân sách, 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Đến thời điểm này, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có 1 dự án hoàn thành (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2); 15 dự án đang triển khai thực hiện; 13 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với 1 dự án sử dụng vốn PPP, tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã hoàn thành năm 2022. Còn 6 dự án xã hội hóa đã có 4 dự án được quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.

Về kết quả giải ngân, giai đoạn 2021-2023 giải ngân đạt 70,8% kế hoạch được giao; kế hoạch vốn năm 2024 đến ngày 15/4/2024 đã giải ngân hơn 1.968 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch năm.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, hiện đã quá nửa thời gian kế hoạch tuy nhiên tiến độ các dự án trọng điểm còn chậm. Trong khi đó, kế hoạch vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 phải bố trí, giải ngân trong các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 là 39.986 tỷ đồng.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 7/2024.

Đối với các dự án đang triển khai cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND thành phố từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, kết quả giải ngân và khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, báo cáo UBND thành phố hàng tháng. Qua đó, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc triển khai các công trình trọng điểm.