Hà Nội lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, thu hút đầu tư xã hội
Nhà thầu tăng tốc thi công đường Vành đai 4 đoạn thuộc địa phận huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Các dự án trọng điểm đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ

Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm tại Hà Nội đang được thúc đẩy thi công để kịp hoàn thành tiến độ theo thời gian yêu cầu, góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công trên địa bàn.

Ba cầu vượt sông, đường sắt dự án đường song hành Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) đã lộ diện hình hài và đang được thi công hoàn thiện. Theo Ban điều hành thi công đường Vành đai 4 vùng Thủ đô (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), gói thầu số 8 có tổng chiều dài khoảng 23 km, trong đó có khoảng 20 km đường song hành đã được thảm nhựa mặt đường. Một số đoạn trên tuyến đang được nhà thầu thi công hạng mục rải cấp phối đá dăm. Với những đoạn đã có mặt bằng sạch, liên danh nhà thầu cam kết thi công hoàn thiện dự án đường song hành Vành đai 4 đoạn qua Mê Linh và Sóc Sơn trong năm 2025.

Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, TP. Hà Nội giao Sở Tài chính đôn đốc các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, phấn đấu đạt giải ngân 100% trong năm 2025.

Nhìn chung, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,9% kế hoạch vốn; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) đã giải ngân đến nay dự án đã giải ngân gần 60% kế hoạch vốn; Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình hiện đã giải ngân 24,6% kế hoạch vốn…

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, TP. Hà Nội đặt mục tiêu tăng tốc công tác chuẩn bị và triển khai các dự án trọng điểm. Trong đó, nhiều dự án lớn dự kiến khởi công trong năm 2025 như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến khởi công tháng 5/2025); dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 – Vùng Thủ đô (khởi công trong quý II/2025); hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố; tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm)...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đặc biệt lưu ý các sở, ngành, địa phương cần tập trung xử lý nhanh chóng các thủ tục hành chính, hồ sơ liên quan đến 10 dự án quan trọng như: cải tạo không gian khu vực đồng hồ Hoàn Kiếm và quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục; nâng cấp hạ tầng xung quanh Hồ Tây; cải tạo, bổ cập nước sông Tô Lịch… Trong đó, yêu cầu rõ ràng: hồ sơ phải được xử lý trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Nhờ triển khai quyết liệt, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước quý I/2025 đạt 14,3 nghìn tỷ đồng – cao nhất cả nước, tăng 43,8% so với cùng kỳ; góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Quyết tâm giải ngân trên 95% vốn đầu tư công

UBND TP. Hà Nội cho biết, kế hoạch đầu tư công của Hà Nội năm 2025 là 87,1 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 42,5 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn năm nay là 18,2 nghìn tỷ đồng bố trí vốn cho 16 dự án trọng điểm, bằng 20,9% kế hoạch.

Để khắc phục các tồn tại hạn chế của việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bảo đảm việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư phải xây dựng và nỗ lực, quyết tâm triển khai kế hoạch thúc đẩy tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm.

Năm 2025, thành phố có 282 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó 233 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 253,7 nghìn tỷ đồng; có 49 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 6,7 nghìn tỷ đồng.

Một số ngành, lĩnh vực có mức đầu tư vốn lớn như: Lĩnh vực giao thông có 85 dự án với 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 72,6% kế hoạch vốn năm; lĩnh vực bảo vệ môi trường 4 dự án với 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8%; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp 32 dự án với 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5%; lĩnh vực y tế, dân số và gia đình 16 dự án với 1,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Hà Nội xác định năm 2025 phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% kế hoạch giao, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội. Vì vậy, với quyết tâm cao nhất, mới đây Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân đối với từng dự án, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và tuân thủ tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng, quý; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án, kiểm soát chặt quy mô, tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Vốn đầu tư phát triển Hà Nội đạt 14,3 nghìn tỷ đồng trong quý I

Theo Chi cục Thống kê TP. Hà Nội, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý I/2025 ước tính đạt 93,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2025 ước tính đạt 57,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 26,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% và tăng 8,1%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,1% và tăng 8,2%; bổ sung vốn lưu động đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4% và tăng 6,3%; vốn đầu tư khác đạt 928 tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 3,9%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 3 ước tính đạt 5.238 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Ước tính quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch năm và tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp thành phố 5,8 nghìn tỷ đồng, đạt 11,6% và tăng 44,6%; vốn NSNN cấp huyện 7,9 nghìn tỷ đồng, đạt 15,6% và tăng 43,6%; vốn NSNN cấp xã 592 tỷ đồng, đạt 15,1% và tăng 40,3%.