Cụ thể, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH do BHXH Thành phố cung cấp.

Sở Tài chính căn cứ phân cấp quản lý ngân sách và tổng hợp đối tượng, kinh phí ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT do cơ quan BHXH chuyển sang, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHYT. Chậm nhất đến ngày 28/12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó.

Sở Y tế tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHYT đến toàn bộ cán bộ, nhân viên ngành y tế và người bệnh, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng giao BHXH Thành phố là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp thu, thu nợ BHXH, BHYT tại các đơn vị. Hằng quý, thống kê danh sách đơn vị và số tiền nợ BHXH, BHYT chuyển tổ công tác liên ngành của Thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND Thành phố yêu cầu Cục Thuế Hà Nội phối hợp với BHXH Thành phố trong công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT của các đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khi quyết toán thuế phải có “Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT” của cơ quan BHXH để làm căn cứ xác định các khoản chi về BHXH, BHYT được tính là chi phí hợp lý.

Cục Thuế Hà Nội chỉ đạo Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, đồng thời cung cấp danh sách các đơn vị có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế trên địa bàn để cơ quan BHXH kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.

UBND các quận, huyện, thị xã cần thành lập tổ liên ngành thu nợ BHXH, BHYT do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng; chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất các hình thức xử lý vi phạm đối với những đơn vị nợ BHXH, BHYT trên địa bàn; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật BHXH, BHYT đối với các đơn vị trên địa bàn theo thẩm quyền khi có báo cáo đề xuất của cơ quan chuyên môn và BHXH./.

Theo VGP