Vẫn còn tình trạng kê khai không trung thực

Theo ghi nhận của Cục Thuế TP. Hà Nội, công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Điều này thể hiện số tiền thuế kê khai năm 2021 tăng so với năm 2020 cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ, qua đó đã góp phần hoàn thành dự toán thu của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cá nhân đã tự giác chấp hành tốt pháp luật thuế khi thực hiện chuyển nhượng bất động sản, trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch, dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, hành vi kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp là hành vi trốn thuế.

Hà Nội siết chặt quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản
Số tiền thuế kê khai từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngày càng tăng do cơ quan thuế siết chặt quản lý. Ảnh: NM.

Trước thực tế trên đây, để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động này, theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cơ quan thuế đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng để sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cục thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự; chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện.

“Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức như phát thư ngỏ tại văn phòng đăng ký đất đai và bộ phận “một cửa”; đăng tải các bài viết trên website của cục thuế; xây dựng các phóng sự để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội của cục thuế như Facebook, Zalo; qua hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử của các quận, huyện, thị xã…” - ông Trường chia sẻ.

Phối hợp với các sở, ngành để quản lý thuế

Để quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản một cách hiệu quả, cục thuế đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp TP. Hà Nội chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Mới đây, ngày 22/3/2022, Sở Tư pháp đã có văn bản gửi Hội Công chứng viên TP. Hà Nội và các tổ chức trên địa bàn thành phố về việc tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm

Hàng năm, Cục Thuế TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế sẽ thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 để xử lý nghiêm đối với hành vi trốn thuế theo pháp luật hình sự và các pháp luật khác có liên quan.

Mặt khác, cơ quan thuế cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tham mưu, báo cáo UBND thành phố xây dựng bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường.

Ngoài việc phối hợp với các sở, ngành để quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến nghị người dân và doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng chuyển nhượng, cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân.

Trường hợp khi chuyển nhượng bất động sản đã kê khai sai giá trên hợp đồng chuyển nhượng, nhưng chưa làm thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mới, thì người nộp thuế đề nghị với cơ quan công chứng hủy hồ sơ công chứng cũ và lập hồ sơ công chứng mới phản ánh đúng giá trị thực tế giao dịch.

Trường hợp người nộp thuế đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn thực tế phát sinh, vì lý do nào đó không điều chỉnh được trên hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng, Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị người nộp thuế chủ động liên hệ với cơ quan thuế trên địa bàn nơi có bất động sản chuyển nhượng để kê khai, điều chỉnh bổ sung nghĩa vụ thuế, phí có liên quan.

“Đây chính là cách thiết thực nhất để bảo vệ quyền lợi của bản thân, tránh khỏi các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng bất động sản như: khi khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, đền bù và các tình huống pháp lý khác. Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế liên hệ cơ quan thuế, nơi có bất động sản chuyển nhượng, để được hướng dẫn giải đáp” - ông Trường nói./.