Hà Nội
Chỉ số tiêu dùng tháng 8 trên địa bàn Thủ đô tăng 0,77% so với tháng trước. Ảnh: Phúc Nguyên

Thu ngân sách đạt 69,8% dự toán trung ương giao

Một trong những chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tích cực, khả quan của TP. Hà Nội trong 8 tháng đầu năm 2021 là tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán, đạt 65,4% dự toán thành phố giao, bằng 110,3% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm, thị trường tài chính ổn định, lạm phát thấp.

Nhiều địa phương đã cố gắng, nỗ lực đạt kết quả phát triển kinh tế tốt như một số quận, huyện có tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cao là: Thanh Xuân, Phú Xuyên, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy…

Bên cạnh đó, 8 tháng năm 2021, chỉ số IIP một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh tăng 28,9% so cùng kỳ.

Chỉ số tiêu dùng tháng 8 tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 2,94% so với tháng 12/2020 và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách… Hiện thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể.

Hà Nội toàn lực phấn đấu hoàn thành bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Đến sáng 7/9, tổng số vắc-xin Hà Nội được phân bổ theo quyết định của Bộ Y tế là 3.302.050 liều, trong đó, số vắc-xin Hà Nội đã tiếp nhận là 3.109.270 liều. Trên cơ sở số vắc-xin được phân bổ, thành phố đã triển khai tiêm 2.457.329 mũi, đạt tỷ lệ 29,1% dân số.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.386 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021 để phòng chống dịch, chỉ các dự án, công trình trọng điểm, công trình xử lý cấp bách đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch được tiếp tục hoạt động. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tính chung 8 tháng năm 2021 thực hiện đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54% kế hoạch năm...

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo UBND TP. Hà Nội, những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế thành phố còn rất khó khăn, thách thức.

Vì vậy, trong tháng 9 và những tháng cuối năm, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mức độ phủ vắc-xin. Đồng thời, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: "Việc phát triển kinh tế cũng phải quyết liệt như chống dịch. Phải vào cuộc quyết liệt, cụ thể từng phần việc, khắc phục khó khăn nếu không sẽ không đáp ứng tiến độ, hiệu quả". Để cụ thể hóa nội dung này, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành công điện, trong đó đặt ra mục tiêu trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn; và khởi động ngay việc phục hồi, thúc đẩy kinh tế tại các vùng xanh, vùng vàng và tiến tới trên toàn thành phố từ ngày 15/9/2021.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hà Nội trong những tháng cuối năm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, kích thích sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp...

Đặc biệt, thành phố bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Cùng với đó, tiết kiệm chi, chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời; uu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Song song đó, tập trung triển khai thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội.../.

8 tháng năm 2021, toàn TP. Hà Nội thu hút 841,8 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 243 dự án với số vốn đạt 157,3 triệu USD; 91 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 486,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 309 lượt, đạt 145,6 triệu USD.

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)