bô xít tây nguyên

Nhà máy alumin Tân Rai. Ảnh: vinacomin.vn

Nỗi lo bùn đỏ: Đã có phương án xử lý an toàn

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định 2 dự án đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị, đúng quy định của pháp luật, có tác động lan toả bước đầu, chưa đạt đến công suất định mức nhưng đã đóng góp vào phát kinh tế của khu vực. Mặc dù có nhiều ý kiến lo lắng về an ninh quốc phòng nhưng đã giải quyết được vấn đề này.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường bị ảnh hưởng, nhưng sau khi lấy phương án bảo thủ nhất để đánh giá hiệu quả thì các dự án đều có hiệu quả, dù chưa cao. Hiện nay, giá thực tế đã cao hơn giá dự kiến nên các dự án có hiệu quả cao hơn khi tính toán. Cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới, giá sản phẩm dự kiến tiếp tục tăng thì hiệu quả của dự án cũng tăng hơn.

Phó Thủ tướng cho biết, đối với các dự án công nghiệp có vốn đầu tư đến 700 triệu USD thì bao giờ cũng có thời gian lỗ kế hoạch và đã được tính vào dự án. Thời gian lỗ kế hoạch của 2 dự án đã được giảm từ 1 đến 2 năm. Về nắm bắt công nghệ, hiện 2 dự án chúng ta đều đã làm chủ về vận hành, còn làm chủ về công nghệ thì đòi hỏi có thời gian và sẽ cố gắng đạt được điều này trong thời gian ngắn nhất.

Về ảnh hưởng môi trường của 2 dự án, Chính phủ đã chỉ đạo đánh giá lại dự án hồ bùn đỏ và đã điều chỉnh thiết kế. Các tiêu chuẩn an toàn hiện nay đều thừa so với yêu cầu. Chính phủ cũng đề nghị tăng thêm hồ chứa thứ 3, để tăng dung lượng chứa khi có biến đổi khí hậu và mưa cực đoan. Ngay cả với những điều chỉnh này thì dự án vẫn có hiệu quả.

Hiện nay cả 2 dự án đều trong giai đoạn thí điểm, đến năm 2020 sẽ tổng kết và quyết định. Khi đó có thể nâng quy mô 2 dự án lên gấp đôi, mang lại hiệu quả cao hơn và có phương án đầu tư vận tải đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp toàn vùng.

Trình bày thêm về phương án xử lý bùn đỏ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, khác với các nước, bùn đỏ khô của Việt Nam có hàm lượng boxit sắt cao, được coi là quặng sắt nghèo, nên có thể định hướng sản xuất thép từ bùn đỏ. Hiện nay, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương án này. Về mặt kinh tế, tính sơ bộ từ 2,4 tấn bùn đỏ có thể sản xuất ra 1 tấn quặng sắt giá 1,9 triệu đồng, với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy có thể giải quyết được cả về môi trường và mang lại sản phẩm kinh tế.

Lưu ý vị trí chiến lược của các dự án

Đánh giá thêm về ý nghĩa kinh tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét hiệu quả kinh tế bước đầu đã có lãi, nộp ngân sách 700 – 800 tỷ đồng/năm, giải quyết lực lượng lao động lớn, nắm bắt công nghệ, đã có phương án xử lý bùn đỏ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng cần cân nhắc yếu tố vốn đầu tư của 2 dự án rất lớn, chủ yếu là vốn vay. Doanh số và tổng mức đầu tư luôn quan hệ chặt chẽ, khi tỷ lệ này không đạt mức độ nhất định thì là dấu hiệu báo động về hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong 7 yếu tố cơ bản đối với vận hành khai thác 2 dự án là trữ lượng, giao thông, vị trí địa thế để đảm bảo môi trường, điện, nước, năng lực tài chính quản trị… thì theo báo cáo mới có một yếu tố thuận lợi là trữ lượng còn 6 yếu tố khác là chưa thuận lợi trong thời điểm này. Ngoài ra cũng cần được cân nhắc giá điện, thuế tài nguyên, chi phí giao thông với các dự án, cần được tính kỹ. “Nếu đánh giá quá sáng thì xử lý sẽ rất khó khăn”, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu vấn đề sự có mặt của công nhân Trung Quốc tại hai nhà máy, cần có phương án phòng ngừa, bảo vệ để không xảy ra các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra tại một số địa phương vừa qua. “Dàn khoan còn đó thì còn nhiều vấn đề chưa lường trước được”, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng lưu ý về những vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến 2 dự án. “Đây là một khu vực cực kỳ nhạy cảm về an ninh, có ý nghĩa chiến lược lớn”, vì vậy cần có đánh giá dài hạn, kết hợp hiệu quả và quốc phòng sao cho hợp lý./.

Hoàng Yến