Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024

Những số liệu về PMI tháng 12/2023 cho thấy, PMI toàn cầu tiếp tục suy giảm so với tháng 11 và vẫn ở dưới mức 50 điểm. Nguồn ảnh: ACBS

Nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”

Các chuyên gia từ ACBS cho rằng, năm 2024 là năm đánh dấu sự đảo chiểu về chính sách tiền tệ của FED và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng.

Các số liệu kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 đã khẳng định xu hướng này. Thế nhưng, việc khi nào FED giảm lãi suất và với mức độ ra sao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào triển vọng kinh tế năm 2024 của Mỹ, cùng với số liệu lạm phát giai đoạn sắp tới.

Trong đó, kịch bản đang được kỳ vọng nhiều nhất, đối với nền kinh tế Mỹ là "hạ cánh mềm". Như vậy, nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng lành mạnh và lạm phát tiến về mục tiêu 2,0%, tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát tốt dưới 4,0%.

Tuy nhiên, rủi ro suy thoái vẫn không được loại trừ. Đặc biệt, trong bối cảnh phần còn lại của thế giới (Trung Quốc, châu Âu) vẫn đang tiếp tục gặp khó trong tăng trưởng.

Ngoài ra, một yếu tố ảnh hưởng khác đó là dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ tiếp tục ảm đạm và thấp hơn so với ước tính tăng trưởng năm 2023 (năm 2024 là 2,1 - 2,6%, còn năm 2023 ước tính 2,9% - 3,0%).

Số liệu PMI tháng 12/2023 toàn cầu và của các quốc gia cũng cho thấy, những khó khăn về tăng trưởng là thách thức hiện hữu ngay từ đầu năm 2024.

Các chuyên gia từ ACBS dự báo, trong năm 2024 GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6 - 6,1%. Lạm phát được kiểm soát tốt trong khoảng 2,8 - 3,6%, xuất khẩu tăng trưởng 10 - 15% so với năm 2023, khả năng mất giá của VND so với USD vào thời điểm cuối năm 2024 không quá 1,3%, lãi suất VND sẽ tiếp tục được duy trì ổn định ở nền thấp hiện tại.

Vậy nhưng, xu hướng lạm phát hạ nhiệt ở hầu hết các quốc gia, giá dầu được dự báo đi ngang ở mức 83 USD/thùng nếu không có các sự kiện rủi ro địa chính trị ảnh hưởng.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,05% cả năm, với đà tăng trưởng dần được cải thiện vào 6 tháng cuối năm. Mức tăng này thấp hơn kế hoạch 6,5% của Chính phủ nhưng vẫn là một mức tăng trưởng tương đối tích cực so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực FDI, đầu tư công, thặng dư thương mại… Lạm phát và tỷ giá vẫn trong phạm vi kiểm soát tốt.

Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024

Điểm số của VN-INDEXcuối năm 2023 quay trở lại mức tương đương đầu năm 2021. Nguồn ảnh: ACBS

Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024

Theo chuyên gia từ ACBS, trong bối cảnh vĩ mô thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể diễn biến theo hai kịch bản với 2 tiềm năng tăng rất khác biệt.

Theo đó, kịch bản tích cực có thể xảy ra khi được sự ủng hộ của dòng tiền và chỉ hé lộ vào 6 tháng cuối năm 2024. Điểm tích cực trong cả hai kịch bản, rủi ro giảm giá sâu của VN- Index kể từ ngưỡng hiện tại là khó xảy ra, do định giá của hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn đang ở mức thấp.

Đầu tiên, kịch bản cơ sở (VN-Index 1.000 - 1.280 điểm) xảy ra khi kinh tế Mỹ hạ cánh mềm nhưng lạm phát dai dẳng. FED chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý III/2024, với tốc độ cắt giảm chậm (0,75% trong năm 2024 như Plot dot hiện tại). Kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, Trung Quốc tiếp tục suy thoái.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,6%. Lãi suất VND tiếp tục duy trì ở mức thấp. Do đó, chênh lệch lãi suất USD, VND vẫn cao và kéo dài xuyên suốt năm 2024, áp lực lên tỷ giá USD, VND vẫn hiện hữu. Sự mất giá chủ yếu tập trung vào nửa đầu năm 2024 và sau đó phục hồi dẩn vào cuối năm. Thế nhưng, dự trù giảm nhẹ so với năm 2023 (VND mất giá 1,6% so với USD).

Khi đó, các biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán cần thêm thời gian để phát huy tác dụng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, trong khi áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 vẫn còn rất lớn.

Đối với kịch bản tích cực (VN- Index 1.140 - 1400 điểm) là khi kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, tuy nhiên lạm phát vẫn giảm nhanh hơn kỳ vọng. FED cắt giảm lãi suất sớm, từ giữa quý II/2024, tỷ lệ cắt giảm sâu (> 1,50% trong năm 2024). Kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn dự báo, kinh tế Trung Quốc phục hồi tích cực. Điều này chỉ bắt đầu bộc lộ từ nửa cuối năm 2024.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 6,0%. Lãi suất VND tiếp tục duy trì ở mức thấp. Vậy nhưng, do FED mạnh tay cắt giảm lãi suất USD, chênh lệch lãi suất USD, VND giảm nhanh. Áp lực lên tỷ giá không đáng kể (VND mất giá ít hơn 1% so với USD).

Song song đó, các biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát huy hiệu quả mạnh mẽ và có tính lan tỏa. Đặc biệt là các chính sách liên quan tới thị trường bất động sản, ngành ngân hàng.

“Khi hệ thống KRX được đưa vào vận hành, chứng khoán Việt Nam sẽ đạt được tiến độ đáng kể trong việc xử lý các vướng mắc để tiến tới nâng hạng thị trường”, chuyên gia từ ACBS cho hay.