Hải quan Cao Bằng triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách

Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra ô tô nhập khẩu. Ảnh: TL.

Kim ngạch giảm 64%

Theo thống kê mới được công bố, số thu ngân sách của Hải quan Cao Bằng chỉ đạt 73,53 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước, nhưng giảm tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ thu lớn của Hải quan Cao Bằng chủ yếu đến từ hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 1/2023 làm thủ tục tại đơn vị là 146 xe, tổng kim ngạch 5,1 triệu USD, trị giá bình quân (chưa thuế) gần 35.000 USD/xe.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 19,38 triệu USD, giảm 64% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng 38%, kim ngạch đạt 9,36 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hạt điều; kim loại thường và sản phẩm; thủy sản; rau, củ, quả; gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhập khẩu đạt 10,02 triệu USD, tăng 23%, mặt hàng chủ yếu là ô tô nguyên chiếc, vải may mặc, than các loại…

Trước đó, năm 2022, Cục Hải quan Cao Bằng thu ngân sách được 2.680 tỷ đồng, tăng 477% so với năm 2021. Đây là năm có kết quả thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên đơn vị đạt số thu ngân sách “nghìn tỷ”.

Lý giải nguyên nhân, theo Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Lê Viết Phong, một mặt, Cục Hải quan Cao Bằng đã thực hiện giao chỉ tiêu thu năm 2022 cho từng chi cục; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022.

Mặt khác, Hải quan Cao Bằng đã tích cực triển khai các giải pháp vừa thực hiện tốt công tác quản lý thủ tục hải quan vừa tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhờ đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp mới kinh doanh qua địa bàn, tạo bước đột phá trong công tác thu nộp ngân sách.

Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng. Ảnh: TL.
Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng. Ảnh: TL.

Còn nhiều thách thức khách quan

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, từ cuối năm 2021 và năm 2022, do phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 và hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu giáp với địa bàn Lạng Sơn, trong đó có mặt hàng ô tô nên doanh nghiệp chuyển các đơn hàng về làm thủ tục tại địa cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng, đặc biệt là ô tô nguyên chiếc. Điều này là một yếu tố khách quan khiến lượng hàng cũng như số thu qua Cao Bằng tăng đột biến.

Theo Hải quan Cao Bằng, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn dự báo không có nhiều biến động, hàng hoá xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống. Riêng mặt hàng có thuế suất cao (ô tô tải, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo nguyên chiếc các loại nhập khẩu) có xu hướng giảm mạnh vào những tháng cuối năm 2022.

Năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới, nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn dự báo không có nhiều biến động, hàng hoá xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống. Do đó, công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023 đối diện những khó khăn nhất định.

Do đó, Cục Hải quan Cao Bằng đã xác định tập trung thực hiện hiệu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tập trung nguồn lực triển khai các công tác trọng tâm, đảm bảo hoàn thành 100% chương trình công tác trọng tâm đúng tiến độ đồng thời đảm bảo chất lượng.

Về hiện đại hóa hải quan, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cải cách, phát triển và hiện đại hóa theo kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và của đơn vị; tích cực tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách về thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, đề xuất trang bị, nâng cấp hệ thống máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống máy chủ, xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu cải cách, hiện đại hoá giai đoạn mới. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Cơ chế một cửa quốc gia…

Đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm tăng thu ngân sách, song song với các biện pháp chống thất thu; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…