Tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế tài chính
Thảo luận tại Quốc hội trước đó, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao các nội dung của dự thảo đã tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết được đánh giá là sẽ tạo ra động lực rất lớn để các nhà khoa học yên tâm, các doanh nghiệp có cơ hội thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KHCN và kỳ vọng rằng KHCN sẽ trở thành khâu đột phá cho phát triển của đất nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội), điểm tháo gỡ nút thắt rất lớn tại dự thảo Nghị quyết là việc quy định thực hiện khoán chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này giúp các nhà khoa học không phải mất nhiều thời gian về thực hiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện giấy tờ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động nghiên cứu.
Đại biểu cũng rất đồng tình với quy định các cơ quan nghiên cứu được lập doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, như vậy không còn tình trạng nghiên cứu xong bỏ tủ.
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc Chính phủ khẩn trương trình ra Quốc hội dự thảo nghị quyết với thời gian chuẩn bị hết sức ngắn là rất có ý nghĩa.
Với cơ sở chính trị vững chắc là Nghị quyết 57-NQ/TW, cơ sở thực tiễn là những vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua, đại biểu cho rằng Nghị quyết này không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy và tạo động lực cho hoạt động khoa học, tạo nền tảng, định hướng để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ tới đây.
Quy định cụ thể hơn về cơ chế tự chủ, khoán chi
Góp ý để hoàn thiện thêm các quy định về tài chính tại dự thảo, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho biết vướng mắc chính hiện nay là cơ chế tự chủ tài chính chưa phù hợp với đặc thù của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nhất là các đơn vị nghiên cứu cơ bản nghiên cứu chiến lược. Tự chủ tài chính còn bị hiểu nhầm là tự đảm bảo nguồn thu. Cơ chế khoán chi chưa hiệu quả do rào cản hành chính và do lo ngại rủi ro khi nghiên cứu không đạt kết quả.
![]() |
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm |
Do đó, đại biểu đề nghị cần có các nội dung và định hướng về cách thức xác định tự chủ, mô hình giao quyền tự chủ. Thứ hai là hoàn thiện cơ chế tự chủ. Theo đó, cần có quy định về tự chủ riêng, phân loại rõ các tổ chức khoa học, công nghệ công lập theo chức năng để áp dụng các mức tự chủ phù hợp, tự chủ cao đối với các đơn vị ứng dụng và mức hỗ trợ cao cho đơn vị nghiên cứu cơ bản.
Thứ ba là cải cách cơ chế khoán chi, áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhóm nghiên cứu. Thứ tư là đảm bảo ngân sách đầu tư cơ bản cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập kết hợp huy động vốn từ doanh nghiệp qua các cơ chế hợp tác công tư PPP.
Đại biểu K’Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) băn khoăn về quy định về các quỹ khoa học và công nghệ. Hiện nay, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa được quy định rõ về vị trí pháp lý, dẫn đến sự nhầm lẫn với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Điều này dẫn đến gây khó khăn trong quản lý, vận hành và huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho các quỹ này chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi cơ chế huy động vốn từ doanh nghiệp và tổ chức xã hội còn hạn chế.
Cũng liên quan đến tài chính, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, theo báo cáo tại Quốc hội, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ là 2% nhưng không tiêu hết. Tới đây, Quốc hội có thể nâng tỷ lệ này lên 3%.
Như vậy, đại biểu nhận xét, không nên quy là chúng ta không có tiền hay hạn chế chi phí cho khoa học. Đây có thể là vấn đề do quản lý hoặc không có đề tài. Theo đại biểu, nên nghiên cứu theo hướng chỉ cấp ngân sách cho các đề tài được Nhà nước giao, còn các đề tài khác chỉ có tạo điều kiện. Bởi lĩnh vực KHCN là rất lớn.
Về thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến cá nhân, không thể nào không thu thuế thu nhập. Dù cán bộ, công nhân viên chức hay doanh nghiệp đều nộp thuế thu nhập. Doanh nghiệp, các nhà khoa học hay những người có phát minh sáng chế khi thu được lợi nhuận, lại được ưu đãi, thì thuế thu nhập cần phải đóng thuế./.
Khát vọng sẽ trở thành hiện thực Theo đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, các nhà khoa học rất vui mừng khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hôm nay chúng ta lại có Nghị quyết của Quốc hội về tạo cơ chế, chính sách để phát triển đột phá trong quá trình thực hiện các hoạt động KHCN. “Như vậy, tôi cho rằng khát vọng của chúng ta muốn đưa đất nước phát triển đột phá dựa vào KHCN sẽ trở thành hiện thực nhờ có quyết tâm của Đảng, thông qua hành động cụ thể là thể chế hóa bằng nghị quyết của Quốc hội”, đại biểu khẳng định. |