Tăng cường liên kết đưa ngành thủy sản lên tầm cao mới
Tăng cường liên kết đưa ngành thủy sản lên tầm cao mới. Ảnh: TL

Chiều 21/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với 9 hội và hiệp hội ngành hàng thủy sản về nội dung “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản”.

Tại buổi làm việc, các đại biểu khẳng định, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh.

Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Nuôi biển đề xuất, các hiệp hội ngành hàng ở trung ương và địa phương cần tăng cường liên kết, xem xét hình thành Liên đoàn thủy sản Việt Nam hay Liên hiệp hội thủy sản Việt Nam, làm được như thế sẽ phân rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân.

Một số ý kiến còn cho rằng, hầu hết các ngành hàng đều có hiệp hội và một số hiệp hội đã phát huy tác dụng tốt trong việc đề xuất với Chính phủ về chính sách phát triển của ngành hàng. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng cần nâng cao năng lực nhận thức cho các thành viên tham gia về lợi ích tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh.

Theo ông Chu Hồi-Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Hội nghề cá trước tiên là phục vụ ngành thủy sản, phục vụ người dân rộng hơn nữa là quan tâm đến vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường… Vì vậy, để các bên hợp tác tốt hơn phải có cam kết cụ thể.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các hội và hiệp hội với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất quan trọng, không chỉ huy động nguồn lực, mà còn giải quyết những khó khăn cũng như phát huy tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030:

“Ngoài quản lý nhà nước thì các hiệp hội phải vào cuộc và quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản phải là các doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải đồng hành và gắn với các doanh nghiệp trong từng ngành" – ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… sẽ tăng từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội. Doanh nghiệp đang chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động.