Đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước Lần đầu tiên công bố Bộ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt nhất Năm 2022, sẽ quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường

Giới thiệu hai ấn phẩm về quản trị doanh nghiệp nhà nước

Tại cuộc hội thảo, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp đã giới thiệu về 2 ấn phẩm về quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bao gồm: Bộ Công cụ đào tạo về quản trị công ty trong DNNN (do Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp cùng Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam cập nhật từ Bộ công cụ do Ngân hàng Thế giới biên soạn) và Cẩm nang về quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế dành cho công ty TNHH MTV (do Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ của chuyên gia Bộ Tài chính CHLB Đức).

Hội thảo
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp giới thiệu về các ấn phẩm tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, hầu hết ở các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình như Việt Nam không được trang bị các chương trình đào tạo hoặc nâng cao năng lực dành riêng cho DNNN. Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và quản lý cấp cao của các DNNN cần có các chương đào tạo đặc thù để giúp họ quản lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng, cải thiện hoạt động của doanh nghiệp, vượt qua các thách thức phát sinh.

Tại buổi giới thiệu, ông Đặng Quyết Tiến bày tỏ mong muốn sẽ được lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia để đưa ra sản phẩm hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, tạo ra khung khổ cho các nguyên tắc cơ bản quản trị tốt nhất cho DNNN. Các ý kiến từ thực tế, sát với tình hình doanh nghiệp được trao đổi tại buổi hội thảo sẽ được Cục Tài chính nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện trước khi chính thức giới thiệu 2 ấn phẩm trên.

Chính vì vậy, Bộ Công cụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về một chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy thực tế dành riêng cho DNNN. Trên cơ sở tôn trọng hoàn toàn các phương pháp luận và các nguyên tắc/khuôn khổ quản trị được các tác giả nêu, Bộ Công cụ được bổ sung thêm thông tin về bối cảnh địa phương như các quy định về pháp lý hiện hành tại Việt Nam, các tình huống thực tiễn và ví dụ minh họa để làm rõ các hướng dẫn của Bộ Công cụ tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ một số ý kiến chuyên gia liên quan đến thực trạng triển khai một số khuôn khổ quản trị tại Việt Nam.

Bộ Công cụ được thiết kế để lãnh đạo các DNNN, lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan quản lý nhà nước học hỏi các kinh nghiệm quản trị công ty và có thể đáp ứng những nhu cầu, mức độ ưu tiên theo từng chủ đề đào tạo với các đối tượng đào tạo khác nhau của các tổ chức tài trợ.

Song song với việc triển khai cập nhật Bộ công cụ ở trên, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đã phối hợp với Công ty Tư vấn Phát triển quốc tế của Đức (Indecon Consulting) cùng nhau cho ra đời ấn phẩm đầu tiên “Cẩm nang về quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế tốt nhất (dành cho công ty TNHH MTV)”.

Mục đích của Cuốn cẩm nang là để cung cấp các nguyên tắc và khuyến nghị về thông lệ trong quản trị công ty đã được đúc kết từ kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia có thành tựu lâu đời trong lĩnh vực này. Bên cạnh khung pháp lý của pháp luật Việt Nam đối với doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng, cuốn Cẩm nang này cũng hướng đến sự tư vấn, khuyến khích các DNNN (đặc biệt là các Công ty TNHH một thành viên) tiếp cận và vận dụng các chuẩn mực cao hơn đối với yêu cầu tối thiểu về quản trị doanh nghiệp để hình thành khung quản trị trong thời gian tới ở Việt Nam.

Hiệu quả kinh tế là yếu tố quan tâm hàng đầu

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã cùng trình bày, trao đổi về các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt cũng như tình hình thực tế triển khai.

Theo ông Mathias Nehm - chuyên gia từ Công ty tư vấn Indecon Consulting GmbH (Đức), việc hoàn thiện khung khổ tổng quát cho các doanh nghiệp, nhất là DNNN là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt cho các nước ở giai đoạn đầu gia nhập thị trường thế giới và mong muốn tăng cường quá trình gia nhập này. Việt Nam đã bắt đầu quá trình này bằng cách ban hành một loạt các luật ở mức kỷ lục ấn tượng để hình thành môi trường kinh doanh tổng quát và đặc biệt là khung pháp lý cho các doanh nghiệp có sự tham gia của Nhà nước. “Các luật này là nền tảng pháp lý vững chắc. Nhu cầu hiện nay là xây dựng các quy tắc để khép kín các khoảng trống còn lại trong pháp luật” - ông Mathias Nehm cho biết.

Hình thành khung quản trị doanh nghiệp nhà nước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế
Chuyên gia Mathias Nehm từ Công ty tư vấn Indecon Consulting GmbH trình bày tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Trình bày về thực tế quản lý nhà nước tại Đức, Tiến sĩ Andreas Kerst – Bộ Tài chính Đức cho biết, theo quan điểm của nhà nước Đức - nền kinh tế thị trường xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dành cho các công ty tư nhân, nhà nước chỉ tham gia khi thực sự cần thiết như làm đường cao tốc, đường sắt, viễn thông…

Theo quy định của Luật Ngân sách liên bang, chỉ được thành lập DNNN khi nhà nước liên bang có mối quan tâm cụ thể, đem lại lợi ích cho cộng đồng, mà lợi ích đó không thể thực hiện hiệu quả kinh tế hơn bằng bất kỳ cách nào khác. Lợi ích của chính quyền liên bang phải được gắn chặt trong các quy chế của doanh nghiệp và được các phòng ban của doanh nghiệp triển khai hiệu quả. Chính quyền đưa ra các mục tiêu chiến lược cho các lãnh đạo công ty, có ban kiểm soát để kiểm soát hoạt động doanh nghiệp. Đại diện liên bang trong Ban kiểm soát đảm bảo thể hiện các mục tiêu tác động trong chiến lược/kế hoạch. Đại diện liên bang thường là các công chức liên bang và thuê các chuyên gia giỏi vào trong ban kiểm soát.

Khá tương đồng với Việt Nam, chính quyền liên bang ủy quyền cho Bộ Tài chính quản lý các vấn đề liên quan đến DNNN. Trước khi đầu tư vào doanh nghiệp, các cơ quan đề xuất cần trình lên Bộ Tài chính liên bang. Tương tự khi có các thay đổi như tái cơ cấu, rót thêm vốn, mua bán cổ phần, các đơn vị đầu tư (thuộc các bộ theo lĩnh vực quản lý) sẽ trình hồ sơ lên Bộ Tài chính. Bộ Tài chính nắm quyền quản lý, phê duyệt, lấy tiền từ ngân sách để rót vào doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu của chính quyền và tiêu chuẩn chung của EU, không có đặc quyền nào và tất nhiên yếu tố hiệu quả kinh tế được quan tâm hàng đầu. “Tiền ngân sách là thuế của người dân, nên doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả, phải đảm bảo tính minh bạch, người dân sẽ quan tâm rất kỹ" - ông Andreas Kerst nói.

Các sản phẩm này được coi là nỗ lực mới nhất của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hình thành khung quản trị để hỗ trợ các DNNN có thể từng bước tiếp cận và vận dụng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp của quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm quý báu của các quốc gia có thành tựu lâu đời trong quản trị doanh nghiệp trên thế giới như Đức và Úc. Chính điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị DNNN, góp phần nâng cao công khai, minh bạch, thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, tăng hiệu quả hoạt động của DNNN hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.