Vì sao Hoa Kỳ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng Việt

Tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ” diễn ra ngày 22/12, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, một trong những đặc điểm trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ nổi bật trong thời gian qua đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là tăng lên nhanh chóng. Xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 101,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại xuất siêu sang Hoa Kỳ xấp xỉ 90 tỷ USD.

Hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Nguyễn Vân
"Song song với cơ hội cũng kèm theo thách thức đó là số lượng các vụ việc về điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua" - ông Đỗ Ngọc Hưng nói.

Các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm cũng chia sẻ, với mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng nhanh đang tạo thêm động lực, sức ép Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện nay có 51 vụ việc Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam, chiếm 1/4 số vụ việc mà nước ngoài đang điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, trước đây các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá như cá tra, cá basa hoặc tôm thì nay Hoa Kỳ còn điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam.

"Trong số các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ là thị trường sử dụng điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với xu hướng ngày càng tăng. Nếu không có các biện pháp tích cực để hạn chế bị áp dụng biện pháp lẩn tránh sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế..." - ông Chu Thắng Trung cảnh báo.

Những lưu ý đối với doanh nghiệp

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, trong những năm qua, Bộ Công thương, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã tích cực phối hợp với các hiệp hội, các doanh nghiệp để tư vấn các bước đi mà doanh nghiệp cần phải tiến hành khi bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vào Hoa Kỳ. Thậm chí, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng với doanh nghiệp có các cuộc trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để đưa ra các chứng cứ xác minh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không vi phạm quy định về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá...

Khi tham gia thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt cần phân định chức năng của 2 cơ quan chuyên trách Hoa Kỳ liên quan đến thương mại. Việc điều tra cũng như là áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là do hai cơ quan độc lập tiến hành bao gồm Bộ Thương mại Hoa Kỳ DOC là xác định xác định về mức độ vi phạm và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ xác định về mức độ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.

Có thể hiểu khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra các vụ việc phòng bị thương mại đối với mặt hàng cụ thể của Việt Nam mà chứng minh được các nhà sản xuất của Việt Nam không vi phạm các biện pháp điều tra về phòng vệ thương mại, thì có thể không bị áp thuế chống bán phá giá chống trợ cấp; do vậy, có lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng hóa của các nước khác bị áp biện pháp phòng vệ thương mại.

Hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Mặt hàng thép - đối tượng thường bị điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Minh họa

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, ngành sản xuất, xuất khẩu thép từ năm 2004 đến nay có đến 68 vụ kiện về thương mại, nên doanh nghiệp thép có nhận thức được tầm quan trọng đối với phòng vệ thương mại nói chung và điều tra chống lẩn tránh thuế nói riêng. Trong những năm qua, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các buổi họp chuyên đề hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật các quy định, hướng dẫn doanh nghiệp những kỹ năng để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, nhất là đối với thị trường Hoa Kỳ.

Trong các vụ việc điều tra liên quan đến xuất khẩu, doanh nghiệp thép luôn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công thương, kể cả đại sứ quán và cơ quan thương vụ của Hoa Kỳ nên nhiều vụ việc không bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo các chuyên gia kinh tế tham gia tọa đàm, bên cạnh những điểm thuận lợi thì khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải đó là hiện nay Hoa Kỳ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên các thông tin về đơn giá chi phí sản xuất tại Việt Nam không được sử dụng và sử dụng thông tin của một nước thứ ba. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thép nói riêng cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của cơ quan chức năng, Bộ Công thương trong năm 2023, trong bối cảnh dự báo xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng.