Ngày 13/7, tại Ninh Thuận, hội thảo “Nông nghiệp chống chịu hạn hán dựa vào cộng đồng - từ kinh nghiệm tới thực tế nhân rộng” đã được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi và Ban Quản lý dự án GCF2-SACCR Ninh Thuận phối hợp tổ chức, nhằm thảo luận sâu về các kinh nghiệm và bài học sản xuất nông nghiệp thông minh ứng phó với hạn hán, với thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, nước tưới.

Hỗ trợ nông dân 5 tỉnh sản xuất nông nghiệp thông minh, chống chịu hạn hán
Đại diện các bên tham gia dự án chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: Phương Dung

Theo UNDP, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nằm trong số những khu vực dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu. Thiên tai, hạn hán ngày càng cực đoan, bất thường và khắc nghiệt. Hạn hán kéo dài khiến nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp bị thâm hụt, mùa màng thiệt hại, đất canh tác bị sa mạc hóa, sản xuất nông nghiệp bị giảm sút năng suất và chất lượng. Người dân mất sinh kế và thu nhập, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ.

Các chính sách, chiến lược của nhà nước, cũng như các chương trình, dự án phát triển đã và đang triển khai về nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu hạn hán, thủy lợi và an ninh nguồn nước đã mang lại nhiều kết quả, kinh nghiệm cũng như bài học quan trọng cho các vùng bị ảnh hưởng và các chương trình kế hoạch tiếp theo.

Trong thời gian 5 năm từ 2021 đến 2026, đối tác 5 tỉnh của dự án GCF2-SACCR là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ tập trung hỗ trợ những nông dân dễ bị ảnh hưởng nhất - người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ - nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho các tài sản nông nghiệp chính gồm: nước, đất và cây trồng. Dự án hướng đến 22.200 hộ hưởng lợi trực tiếp và hơn 200.000 hộ gián tiếp.

Các hoạt động hỗ trợ quan trọng của dự án bao gồm 2 mảng chính: Tăng khả năng tiếp cận, trữ và sử dụng nước hiệu quả cho nông nghiệp, nhất là vào mùa khô, thông qua xây mới và nâng cấp ao chứa nước mưa, kết nối dặm cuối giữa nơi canh tác của bà con ở xã với hệ thống thủy lợi trung tâm, hỗ trợ áp dụng các thiết bị tưới tiết kiệm, áp dụng cách canh tác sử dụng nước hiệu quả; nâng cao năng lực áp dụng nông nghiệp chống chịu với hạn hán với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, kết nối thị trường; phát triển và áp dụng công cụ cơ sở dữ liệu khí hậu nông nghiệp để thúc đẩy hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng thông tin khí hậu hiệu quả vào nông vụ.

Tại hội thảo, đại diện các bên đã chia sẻ kinh nghiệm về khả năng chống chịu hạn hán và mất an ninh nguồn nước qua các chương trình nông nghiệp, thủy lợi đã triển khai tại tỉnh, cũng như sáng kiến của người dân. Bên cạnh đó, hội thảo cũng lắng nghe bài học từ các hợp tác xã và mô hình sinh kế thành công ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp đối với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới.