Theo báo cáo từ UBND tỉnh Hòa Bình, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2022 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.393,9 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua 4.192,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết giao tăng 1,47 tỷ đồng, vốn đầu tư khác tăng 400 tỷ đồng, nguồn thu sử dụng đất giao tăng 397,4 tỷ đồng. Đến ngày 18/3/2022, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án là 4.192,8 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 100% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua.

Hòa Bình: Khẩn trương khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư
Tỷ lệ giải ngân 6 tháng cuối năm của tỉnh Hòa Bình đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo từ UBND tỉnh Hòa Bình, đến ngày 20/6/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đã giải ngân là 946,4 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 23% kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án.

Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 720,4 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giải ngân 153,2 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 72,9 tỷ đồng, mới đạt 17% kế hoạch vốn giao.

Mặc dù tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: Sở Tài chính ban hành nhiều văn bản gửi đến các chủ đầu tư để đôn đốc nhiệm vụ; Kho bạc Nhà nước Hòa Bình phối hợp cùng chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm soát, thanh toán vốn; đôn đốc chủ đầu tư hoàn tất thủ tục thanh toán vốn ngay khi có khối lượng được nghiệm thu… nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Rà soát, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không còn nhu cầu sử dụng, hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022 cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Nguyên nhân được chỉ ra là do còn một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án đã được bố trí vốn để hoàn trả vốn ứng trước ngân sách tỉnh, nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước, hoặc các dự án chưa triển khai thực hiện kế hoạch vốn giao.

Các dự án thuộc đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà mới được giao vốn vào tháng 3/2022, nên tỷ lệ giải ngân thấp. Ngoài ra, các dự án khởi công mới chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao và một số dự án đang điều chỉnh. Cũng có những dự án chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Hòa Bình: Khẩn trương khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư
Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T

Với tỷ lệ vốn đã giải ngân mới đạt ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung của cả nước, nên số vốn còn lại cần phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm của tỉnh Hòa Bình còn lại rất nặng nề. Do đó, UBND tỉnh Hòa Bình đang yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn...

UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tăng thu nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết để đảm bảo có nguồn vốn bố trí cho các dự án triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác chuẩn bị thực hiện dự án, việc lựa chọn nhà thầu đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Rà soát, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không còn nhu cầu sử dụng, hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022 cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn.../.