Hội phụ nữ Thanh Hóa: Nhiều cách làm hay để
Những giỏ hoa xinh xắn được làm nên bằng đôi bàn tay khéo léo của hội viên, phụ nữ xã Hưng Lộc (Hậu Lộc).

Có dịp đến với nhà văn hóa thôn 1, xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh các bà, các mẹ thậm chí là trẻ em tay sách nách mang nào rác thải nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, bao bì ... đến đổi lấy túi hạt giống rau.

Được biết, năm 2021, Hội Liên Hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thiệu Giang đã thực hiện điểm “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, hạt giống rau các loại” ở thôn 1 và thôn Đa Lộc. Chương trình thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia vì đã góp phần thay đổi nhận thức, ý thức hành động của hội viên trong việc phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải tạo vườn tạp, trồng hoa, cây xanh tô đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

Việc Chi hội phụ nữ thôn tổ chức mô hình đổi rác thải lấy cây xanh cũng đã giúp nhiều chị em trên địa bàn nâng cao ý thức phân loại rác thải đầu nguồn. Nhiều gia đình nhờ đổi rác thải tái chế lấy hạt giống rau về trồng tại vườn nhà vừa có thêm thu nhập, vừa cải tạo vườn tạp để xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” trong xây dựng NTM.

Chị Hoàng Thị Hằng, chủ tịch hội LHPN xã Thiệu Long cho biết: “Năm 2022, hội LHPN xã nhân rộng cách làm đổi rác thải nhựa lấy quà ở các chi hội. Rác sẽ được chị em phân loại đổi lấy quà hoặc bán gây quỹ mua quà tặng hội viên và con em hội viên khó khăn, trẻ mồ côi.

Đầu năm 2022 đến nay, các chi hội phụ nữ trong xã đã gây quỹ được gần 10 triệu đồng từ nguồn rác tái chế và đã mua quà tặng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trị giá từ 400 - 500 ngàn đồng/suất. Dự kiến dịp Tết Thiếu nhi (1-6), hội LHPN xã tiếp tục tặng quà cho khoảng 10 học sinh khó khăn, mồ côi có thành tích học tập tốt bằng nguồn kinh phí thu gom rác thải của hội viên. Đây là việc làm “tích tiểu thành đại” thực sự có ý nghĩa với cộng đồng, với hội viên và con em hội viên”.

Hội phụ nữ Thanh Hóa: Nhiều cách làm hay để
Ngoài Hội phụ nữ, các đoàn viên thanh niên cũng tích cực tham gia phong trào đổi rác lấy cây xanh.

Như thường lệ, cứ vào dịp cuối tuần, bà Mai Thị Thanh, Chi hội Phụ nữ phố Nam Đội Cung, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa ra nhà văn hóa để tiếp nhận nguồn phế liệu của chị em tặng chi hội. Bà Thanh cho biết: "Việc làm này, chi hội duy trì nhiều tháng nay. Nhiều chị em hào hứng mang đến những túi, bì đựng đồ phế liệu của gia đình gom trong tuần và sẵn sàng ở lại cùng nhau phân loại, bán, ghi chép đầy đủ để vào dịp lễ, tết hoặc đột xuất sẽ thăm, tặng quà hội viên khó khăn. Gần như 100% chị em trong chi hội đều tham gia, ủng hộ. Dù số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên giúp chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tăng cường tình đoàn kết trong chi hội”.Về với xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) chứng kiến những đôi bàn tay khéo léo của cán bộ, hội viên phụ nữ tự chế những phế liệu thành vật dụng hữu ích, như: chậu hoa, cây cảnh, giá thể trồng các loại rau gia vị hoặc tái chế thành những thùng đựng rác bắt mắt... hẳn ai cũng phải tấm tắc khen sự sáng tạo và linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm của các chị. Hoạt động này còn ý nghĩa hơn khi tất cả số tiền thu gom được sau khi bán các sản phẩm trên được tặng cho những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Biến rác thải thành tiền đã tạo cho chị em nơi đây đoàn kết, gắn bó, từ đó làm tốt các phong trào do cấp trên đề ra.

Đã có rất nhiều phần quà từ rác thải mà các hội viên, phụ nữ, con em của hội viên nhận được. Đó có thể là những gói gia vị, hạt giống rau, cây hoa, hộp bút, chậu trồng hoa... giá trị không nhiều nhưng lại mang đến cả “triệu phần quà” cho các đối tượng. Từ năm 2021, thực hiện công trình chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đồng loạt thực hiện 6 công trình, trong đó có công trình “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà” để thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”. Các cấp hội đã linh hoạt cách làm và xây dựng được nguồn quỹ tương đối để tặng hàng chục ngàn suất quà, hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên, con em hội viên, đồng thời hạn chế sử dụng rác thải nhựa, giảm áp lực lên môi trường sống, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Hội phụ nữ Thanh Hóa: Nhiều cách làm hay để
Ngoài các phong trào trên, phụ nữ Thanh Hóa còn tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường.

Cứ vào dịp cuối tuần hoặc mỗi tháng một lần tùy từng địa phương, đơn vị, cảnh nhộn nhịp những hình ảnh nhiều hội viên, phụ nữ, người dân mang rác tái chế đến đổi quà theo ý muốn là: gạo, dầu ăn, nước tương, hạt nêm, đường, sữa lại còn có cả những chậu cây xinh xắn... Các suất quà nhanh chóng vơi đi, song bù lại số lượng rác tái chế thu được mỗi lúc một nhiều, hay có những nơi chị em mang rác tái chế gom được đến tặng cho chi hội bán gây quỹ... đã, đang tạo được sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Lượng rác tái chế này được bán cho các đại lý thu mua, nguồn kinh phí thu được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu của chương trình. Tiêu biểu là Hội LHPN thị xã Nghi Sơn với mô hình “Thu gom rác thải nhựa gây quỹ giúp phụ nữ nghèo”; Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đồng loạt thực hiện ở các xã đổi rác thải lấy cây xanh, phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn; Hội LHPN huyện Nông Cống, Quảng Xương, Hà Trung, Nga Sơn, Thạch Thành, TP.Thanh Hóa, với mô hình “Biến rác thải thành tiền”... đã trở thành điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đô thị văn minh theo hướng thân thiện với môi trường.

Có được thành công ấy, nhiều cán bộ hội cơ sở chia sẻ, sự kiên trì tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân đổi rác thải tái chế lấy quà, thu gom rác thải gây quỹ đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và tự giác hơn trong hoạt động giữ gìn vệ sinh, văn minh và mỹ quan đô thị, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Phong trào thu đổi rác tái chế lấy quà tặng được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội khởi xướng với mục tiêu nâng cao nhận thức và hành động về phân loại rác tại nguồn, tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường, từ đó tạo thói quen phân loại rác đến toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ công an trên địa bànTP. Hà Nội, hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất, góp phần lan tỏa trong xã hội. Đến nay, phong trào này đang được đông đảo người dân trong các tỉnh thành trên cả nước tích cực tham gia.