Hợp tác lâu dài, bình đẳng để “đôi bên cùng có lợi”
Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ảnh: Duy Dũng

Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư

Tại Hội nghị, đại diện từ các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp niêm yết và các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam đã có phần tham luận cụ thể về thế mạnh, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng.

“Việt Nam có cơ chế tài chính, cơ chế ưu đãi đầu tư nhất quán và trên thực tế đã được thực hiện một cách có hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Chủ trì phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và là hợp phần quan trọng của nền kinh tế; vì thế, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. “Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam thời gian vừa qua đã khẳng định tốc độ phát triển rất mạnh mẽ với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài nhờ nhiều lợi thế mà không nhiều quốc gia có được. Theo đó, Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á với đường biển dài 3.200km, có nhiều cảng biển quốc tế kết nối với năm châu.

Việt Nam hiện đang triển khai xây dựng nhiều sân bay quốc tế và hệ thống đường cao tốc, kể cả đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc, sẽ tạo thuận lợi để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thể hiện sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có nguồn nhân lực lớn và trẻ, với trình độ cao. “Việt Nam có cơ chế tài chính, cơ chế ưu đãi đầu tư nhất quán và trên thực tế đã được thực hiện một cách có hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Thu hút vốn đầu tư gián tiếp là mục tiêu thường xuyên, liên tục

Trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN cũng thông tin thêm, cơ quan quản lý về chứng khoán luôn tạo mọi điều kiện để thu hút dòng vốn tham gia TTCK cả trong nước và ngoài nước. “Việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp là mục tiêu thường xuyên, liên tục, vì thế, cơ quan quản lý luôn chú trọng các giải pháp từ khung pháp lý, cơ chế chính sách, cải thiện thủ tục hành chính để nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Chúng tôi kiên định nguyên tắc đối xử bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.

Thông tin thêm về mối quan tâm lớn của nhà đầu tư về công tác nâng hạng, bà Vũ Thị Chân Phương đã cập nhật tới hội nghị các giải pháp đang được UBCKNN quyết liệt triển khai, trong đó điểm nhấn là dự thảo thông tư sửa 4 thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thanh toán và hoạt động của công ty chứng khoán nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng. Trong đó, có hai điểm quan trọng nhất của dự thảo là sẽ không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải ký quỹ 100% tiền trước khi giao dịch và tăng quyền tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh.

Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đã thông tin tới các nhà đầu tư về các chính sách thuế ở Việt Nam, trong đó nổi lên là vẫn đề Việt Nam tham gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Hiện nay, Chính phủ đã cho các cơ quan hữu quan thiết kế chính sách hỗ trợ đối với các nhà đầu tư tới ngưỡng phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ vừa giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, vừa đảm bảo cho tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang, sẽ tham gia đầu tư ở Việt Nam song chưa đến ngưỡng phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì Chính phủ Việt Nam vẫn dành những ưu đãi đặc biệt, vì thế nhà đầu tư yên tâm về tính hỗ trợ, tính ổn định của chính sách thuế” - ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng thông tin, thời gian qua, hàng hóa của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng tại Việt Nam đều nhận được nhiều ưu đãi về chính sách, cũng như thuế quan bởi Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTTP, RCEP, EVFTA…

“Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, hướng năm 2025, ngành Hải quan sẽ thực hiện hải quan điện tử, hải quan hiện đại theo các trụ cột như hệ thống pháp luật phải minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong công tác quản lý. Chính vì thế, hiện nay, chúng tôi đang xây dựng thống hải quan thông minh, hải quan số; đồng thời, đổi mới hơn nữa thái độ cung cấp dịch vụ, để nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí logictics, giảm thời gian thông quan…” - ông Thắng nói.