giáo dục

Cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp để chi thuê chuyên gia tư vấn; chi xây dựng phương án điều tra, thu thập thông tin, minh chứng,... Ảnh: T.L.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.

Tại thông tư này, Bộ Tài chính quy định rất cụ thể các khoản chi liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.

Với hoạt động tự đánh giá, cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp để chi thuê chuyên gia tư vấn; chi in ấn và văn phòng phẩm; chi xây dựng phương án điều tra, thu thập thông tin, minh chứng; xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin, minh chứng; viết phiếu đánh giá tiêu chí; xây dựng và hoàn thiện báo cáo tự đánh giá, tối đa không quá 10 triệu đồng/kết quả tự đánh giá hoàn chỉnh.

Thông tư cũng quy định các mức chi của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục thực hiện nhiệm vụ đánh giá ngoài.

Cụ thể, chi hội nghị, hội thảo; chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài được thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Các khoản chi tiền công cho thành viên đoàn đánh giá ngoài được chi căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo sẽ quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài (trưởng đoàn, thư ký, thành viên) phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương.

Tuy nhiên, các khoản chi này phải tuân thủ mức chi tối đa. Trong đó, chi tiền công nghiên cứu hồ sơ đánh giá, viết báo cáo sơ bộ không quá 1 triệu đồng/người/báo cáo; chi tiền công trong thời gian làm việc tập trung nghiên cứu hồ sơ đánh giá không quá 200.000 đồng/người/ngày; chi tiền công trong thời gian thực hiện khảo sát chính thức tại cơ sở giáo dục không quá 200.000 đồng/người/ngày.

Bên cạnh đó, chi xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài được khoán theo sản phẩm cuối cùng và không quá 2 triệu đồng/báo cáo.

Cũng theo thông tư, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.

Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021. Thông tư liên tịch số 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nội dung, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên hết hiệu lực thi hành kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.

Hồng Vân