Các kiểm toán viên Việt Nam tham dự chương trình đào tạo của Hội Kế toán quốc tế ICAEW tại Hà Nội, ngày 20/5/2016.
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam.
* PV: Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại mạnh mẽ, hình thành thị trường chung cộng đồng ASEAN, điều này đã và đang tác động đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán ra sao, thưa ông?
- PGS.TS Đặng Văn Thanh: Hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra yêu cầu cho hoạt động kế toán, kiểm toán phải có sự đổi mới căn bản. Đó là yêu cầu về một hệ thống thông tin tài chính kế toán công khai, minh bạch phục vụ trực tiếp cho quyết định của các nhà quản lý, các chủ đầu tư. Thông tin tài chính - kế toán được trình bày, công bố phải đảm bảo độ tin cậy theo các chuẩn mực, nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được cải cách căn bản trên cơ sở vận dụng một cách chọn lọc các nguyên tắc, các chuẩn mực và thông lệ kế toán, kiểm toán quốc tế phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Từng bước, Việt Nam thừa nhận, áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế và thế giới cũng đã biết đến và thừa nhận kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Đặc biệt, hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra thách thức lớn cho những người hành nghề kế toán, kiểm toán.
* PV: Kể từ năm 2017, theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì kế toán là 1 trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong cộng đồng ASEAN. Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng như đội ngũ kế toán, kiểm toán viên Việt Nam hiện nay?
|
- PGS.TS Đặng Văn Thanh: Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán. Việt Nam đã cam kết mở cửa toàn diện thị trường này khi gia nhập WTO, trong Hiệp định TPP, khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong đó, có cam kết về đảm bảo sự di chuyển về thể nhân của những người hành nghề kế toán và kiểm toán, những người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên được thừa nhận.
Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam mới được hình thành và thừa nhận, còn rất non trẻ và đầy tiềm năng. Các quy định luật pháp mới được hình thành (Luật Kiểm toán độc lập ban hành 2011, Luật Kế toán ban hành 2015). Các yếu tố của thị trường chưa được hình thành đầy đủ. Phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức. Đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Đất nước với hơn 90 triệu dân chiếm 1/6 dân số của các nước ASEAN, nhưng số kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên hiện có của các nước ASEAN (4.000/196.000). Rõ ràng đây là điểm yếu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.
Hơn nữa, chương trình đào tạo kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ chưa được xây dựng, chưa được chuẩn hóa. Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ diễn ra rất thưa thớt (mỗi năm 1 lần), chưa thực chất và suốt 20 năm qua đều do Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước) đảm nhiệm, chứ không phải là các tổ chức nghề nghiệp như thông lệ các nước. Chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghề nghiệp chưa được xác lập và thừa nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Đây là những thách thức lớn khi Việt Nam mở cửa cho phép các kế toán viên, kiểm toán viên người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Còn đối với kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam có đủ năng lực và được thừa nhận để hành nghề ở nước ngoài hay không đang còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
* PV: Có thể thấy thách thức là rất lớn, vậy để khắc phục, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- PGS.TS Đặng Văn Thanh: Thách thức cho Việt Nam khi phải cạnh tranh trong một thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán mở cửa, một thị trường dịch vụ cao cấp đòi hỏi sự chuẩn hóa về quy trình cung cấp dịch vụ, sự minh bạch và tin cậy, sự hữu ích của dịch vụ và đặc biệt là chất lượng dịch vụ, năng lực, trình độ và tính chuyên nghiệp của các thể nhân, các pháp nhân hành nghề kế toán, kiểm toán.
Phải nói rằng đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị rất tích cực, rất khẩn trương không chỉ về nhận thức, không chỉ tạo lập các khuôn khổ pháp lý mà trực tiếp là tạo dựng môi trường, xây dựng đội ngũ các DN cung cấp dịch vụ, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề… để có thể trước hết là thành công tại Việt Nam và sau đó là thị trường khu vực.
Ngay từ hôm nay, cần gấp rút xây dựng và vận hành chương trình đào tạo huấn luyện, chính thức hóa và chuẩn hóa chứng chỉ kế toán viên và kiểm toán viên; tổ chức lại quy trình đào tạo, thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên, quy trình quản lý hành nghề và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và kiểm toán phù hợp và theo thông lệ quốc tế.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Việt Nam sẽ rất yếu thế khi tham gia vào thị trường khu vực với số lượng các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán còn quá ít ỏi trong một thị trường xấp xỉ 600.000 DN, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế. |
Bảo Châu - Ngọc Linh