Hơn 5.600 tỷ đồng nâng cấp cải tạo 3 tuyến quốc lộ

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa đề xuất Bộ GTVT dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ (QL) 53, QL62 và Nam Sông Hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó, tuyến QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si nối Vĩnh Long – Trà Vinh có có tổng chiều dài khoảng 39,18 km. Dự án sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong tổng số 39,18 km sẽ nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu dài 21,68 km và làm mới tuyến tránh dài 17,5km. Còn tuyến QL62 qua tỉnh Long An có chiều dài khoảng 76 km sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến QL62 thành đường cấp III đồng bằng. Các cầu trên tuyến được cải tạo, mở rộng, thay thế phù hợp với quy mô tuyến.

Kết nối các tỉnh phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si nối Vĩnh Long – Trà Vinh.

Tuyến đường Nam Sông Hậu nối liền Cần Thơ – Bạc Liêu có tổng chiều dài khoảng 141,6 km. Với tuyến đường này, đoạn 1 từ Ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui sẽ nâng đường với cao độ đồng bộ với dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui (do UBND TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư). Đoạn 2 từ cầu Cái Cui đến Ngã ba giao giữa đường Nam Sông Hậu với tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu, đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng sẽ thảm tăng cường 2 lớp bê tông nhựa cứng trên phạm vi mặt đường hiện hữu.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ trên có tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 243,16 triệu USD. Trong đó, tuyến QL62 có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. QL53 có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng và tuyến Nam Sông Hậu có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Việc cải tạo nâng cấp các tuyến QL nói trên sẽ đảm bảo điều kiện đi lại và hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo ATGT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh, thành phố có dự án đi qua và khu vực ĐBSCL nói chung...

Sử dụng vốn trong nước đầu tư cầu Đại Ngãi

Cùng với các dự án đường bộ, Bộ GTVT cũng mới kiến nghị Chính phủ sử dụng vốn trong nước để sớm xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng thay vì sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi không chỉ giúp liên thông toàn tuyến QL60 mà còn kết nối giao thông thuận lợi giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP. Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trường hợp sử dụng vốn trong nước từ nguồn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và nguồn đầu tư công cộng với việc áp dụng cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, công tác chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp sẽ được triển khai từ năm 2022 - 2023. Thời gian khởi công xây dựng từ khoảng tháng 3/2023 và hoàn thành vào năm 2026. Còn nếu sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, thời gian chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp dự kiến được thực hiện từ năm 2022-2025; khởi công xây dựng từ tháng 4/2025, đến tháng 4/2028 mới có thể hoàn thành trong trường hợp thủ tục thuận lợi.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn trong nước cũng sẽ giúp chi phí thực hiện dự án được kiểm soát tốt hơn do tính chủ động về chủng loại nguyên vật liệu, thời gian thực hiện không phụ thuộc vào nhà tài trợ. Các doanh nghiệp trong nước được tham gia đấu thầu tư vấn, xây lắp với tư cách là nhà thầu chính sẽ giúp nâng cao năng lực, có nhiều cơ hội việc làm hơn do nhà thầu tư vấn và xây lắp trong nước đã triển khai và từng bước làm chủ được công nghệ, quy trình thi công cầu dây văng lớn như: Cầu Rạch Miễu, cầu Bạch Đằng, cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT phân tích.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy mô dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi dự kiến gồm: Xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến). Tổng chiều dài dự án khoảng 15,2km với điểm đầu giao với QL54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km, đường dẫn dài 11,78km. Tiêu chuẩn thiết kế là đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Để phù hợp với nguồn lực được bố trí, trước mắt phân kỳ đầu tư phần đường và các cầu trên tuyến 2 làn xe; phần cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) đầu tư 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 - 2026).

Liên thông toàn tuyến quốc lộ 60

Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Chính phủ sử dụng vốn trong nước để sớm xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng thay vì sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi không chỉ giúp liên thông toàn tuyến QL 60 mà còn kết nối giao thông thuận lợi giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP. Hồ Chí Minh.