Diễn đàn Kinh tế 2022: Tạo đột phá, phát huy nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ

Tạo “đôi cánh” đột phá phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Bộ

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là diễn đàn đầu tiên nói về phát triển khu vực Đông Bắc Bộ và vai trò của 2 địa phương lớn là Hải Phòng và Quảng Ninh. Khi nhắc đến Đông Bắc Bộ sẽ liên tưởng đến Đông Bắc Á, hy vọng đây sẽ là mô hình thành công của Việt Nam, như khu vực Đông Bắc Á.

“Nhắc đến vai trò khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tôi muốn dùng hình ảnh khác, trong vùng kinh tế trọng điểm cần đảm bảo có vai trò của "đôi cánh" đột phá là Hải Phòng và Quảng Ninh. Cho đến nay Hải Phòng và Quảng Ninh đang là cái nôi cải cách của nền kinh tế và động lực của phát triển kinh tế của Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Hai nhà vô địch cải cách đang ở đây", điều này được ông Vũ Tiến Lộc nhắc đến đó chính là việc Hải Phòng và Quảng Ninh liên tục là quán quân trong cải cách và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân.

Phát triển kinh tế vùng để các địa phương "nắm tay nhau" phát triển
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hồng Vân.

"Với hành trang như vậy, 2 địa phương này sẽ là "đôi cánh" đột phá phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc Bộ" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Với các cơ chế đặc thù, theo ông Vũ Tiến Lộc, Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi xứng đáng nhất để thử nghiệm cho cải cách liên tỉnh, liên vùng. Điều đó khẳng định vị thế của 2 địa phương này.

Những lợi thế là tiềm năng thế mạnh của 2 địa phương này cũng được nhắc đến nhiều, như: 2 địa phương nằm ở cửa biển, cận biên, có sân bay và gần Hà Nội. Đó là những lợi thế rất quan trọng cho các dự án đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, 2 địa phương này, kết nối giao thông cũng được ghi nhận là rất tạo thuận lợi cho mọi kế hoạch thu hút nguồn nhân lực và vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, khu vực này có chất lượng nguồn nhân lực cao nhất, có các trung tâm đào tạo chất lượng cao, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế. Đây được cho là những lợi thế để Quảng Ninh và Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới.

Đây cũng là điểm kết nối giữa Việt Nam - ASEAN và Đông Bắc Á; là khoảng cách rất thuận lợi để trở thành tâm điểm cho các giao dịch, phát triển logistics...

Vẫn chưa liên kết khu vực Đông Bắc

Tuy nhiên, cho ý kiến tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng, sự liên kết với nhau giữa các địa phương còn yếu, như liên kết về thể chế, chính sách, kết nối chuỗi giá trị... "Đây là các khâu đang còn yếu" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng đồng tình với ý kiến nêu trên. Theo ông Trần Đình Thiên, đến nay vẫn chưa liên kết khu vực Đông Bắc.

Mặc dù đây là 2 "ngôi sao" về cải cách và tăng trưởng, nhưng cần phải có giải pháp để cộng hưởng, tạo sức mạnh, tạo lợi thế để phát triển khu vực này.

“Những vấn đề đặt ra hiện nay, nhất là việc không liên kết được giữa các vùng không chỉ là chuyện riêng của Hải Phòng - Quảng Ninh mà của các địa phương trên cả nước, nhưng khắc phục rất khó. Đó là do vị thế không rõ, kết nối các mạch về thể chế, hạ tầng…” - ông Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra.

Trên thực tế, 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh đang mang trong mình nhiều sứ mệnh lớn lao, nhưng hiện nay vấn đề liên kết vùng trong khu vực vẫn còn làm “đau đầu” các nhà quản lý.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, nên tăng cường ban chỉ đạo hoặc hội đồng vùng; có thể thành lập hội đồng doanh nghiệp vùng để có cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển vùng bên cạnh các nhà đầu tư chiến lược, để có thể "nắm tay nhau", đưa ra các khuyến nghị chính sách, xây dựng các chiến lược để phát triển kinh tế vùng./.