Nguồn: MBS. Đồ họa: Phương Anh |
PV: Ông dự đoán như thế nào về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III sắp tới và những thông tin này có ảnh hưởng gì đến diễn biến trên thị trường chứng khoán?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Trong quý III/2024, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ cải thiện đáng kể so với quý II, đặc biệt trong các ngành sản xuất, xuất khẩu và bất động sản, khi điều kiện thị trường dần ổn định. Nhu cầu nội địa phục hồi cùng với chi phí nguyên vật liệu giảm sẽ tạo đà tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng như thép và hóa chất. Đồng thời, sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản sẽ góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, được hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản của chính phủ.
Trên thị trường chứng khoán, diễn biến sẽ phụ thuộc lớn vào kỳ vọng của nhà đầu tư. Nếu kết quả kinh doanh quý III vượt mong đợi, nhóm cổ phiếu ngành thép, xây dựng và bất động sản có thể ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo tín hiệu tích cực cho toàn thị trường. Ngược lại, nếu kết quả thấp hơn dự đoán, thị trường có thể trải qua điều chỉnh ngắn hạn. Nhìn chung, thông tin về kết quả kinh doanh sẽ là yếu tố quan trọng định hình xu hướng thị trường trong thời gian tới.
PV: Dựa trên những dự đoán về kết quả kinh doanh, ông có thể cho biết sự phân hóa giữa các nhóm ngành sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Sự phân hóa giữa các nhóm ngành sẽ trở nên rõ nét hơn trong quý III. Các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng và bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, nhờ nhu cầu nội địa tăng và giá nguyên vật liệu giảm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thép có thể dẫn đầu nhờ tăng trưởng vượt trội và nhu cầu cao từ các ngành liên quan, cùng với các chính sách hỗ trợ thị trường tích cực.
Ngược lại, các ngành xuất khẩu như dệt may và thủy sản có thể đối mặt với khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và những biến động địa chính trị. Các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh có khả năng giữ vững sự ổn định, nhưng khó đạt được tăng trưởng đột phá khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Sự phân hóa này chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp nặng và bất động sản, với những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường.
PV: Theo ông, nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường sẽ tập trung vào những mã ngành hoặc loại cổ phiếu nào?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Nhà đầu tư sẽ dồn sự chú ý vào các cổ phiếu thuộc nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý III, đặc biệt là những cổ phiếu của ngành thép, bất động sản và vật liệu xây dựng. Nhóm cổ phiếu ngành thép dự báo sẽ thu hút dòng tiền lớn nhờ sự hồi phục của thị trường nội địa và các chính sách thúc đẩy đầu tư công. Cùng với đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tái thiết nền kinh tế sau cơn bão Yagi, đẩy mạnh dự án sân bay Long Thành và đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc Nam cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu liên quan đến năng lượng và tiện ích công cộng cũng có thể nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nhờ tính ổn định trong kết quả kinh doanh và khả năng bảo vệ vốn trước biến động thị trường. Những cổ phiếu có khả năng trả cổ tức cao và tiềm năng tăng trưởng dài hạn cũng sẽ là lựa chọn ưu tiên trong danh mục của các nhà đầu tư thận trọng.
PV: Ngoài kết quả kinh doanh là yếu tố chủ chốt trong tháng 10, theo đánh giá của ông, những yếu tố nào sẽ là động lực hỗ trợ trong tháng này mà các nhà đầu tư cần chú ý?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Ngoài kết quả kinh doanh, các nhà đầu tư cần chú trọng đến một số yếu tố quan trọng khác. Trước tiên là chính sách tiền tệ và lãi suất, khi các quyết định cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương sẽ tác động mạnh đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Nếu các ngân hàng tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, dòng tiền có khả năng chảy vào các tài sản có rủi ro cao hơn, như cổ phiếu.
Động thái từ thị trường quốc tế cũng không thể bỏ qua, đặc biệt là diễn biến căng thẳng địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại mới hoặc chính sách hỗ trợ xuất khẩu sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Chính sách của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường. Các biện pháp kích thích đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực chính, đặc biệt nếu được triển khai hiệu quả. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các ngành như xây dựng, thép và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các chính sách như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng hay ưu đãi đăng ký ô tô mới cũng là những ví dụ cụ thể về việc thúc đẩy nền kinh tế.
Cuối cùng, diễn biến giá hàng hóa cũng cần được theo dõi sát sao. Những thay đổi về giá thép, xi măng hay dầu mỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan, tác động đến chiến lược đầu tư của nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
Sự phục hồi của sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Liên quan đến dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý III, bên cạnh nhóm ngành về vật liệu xây dựng, bất động sản thì ngân hàng cũng được kỳ vọng. Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý III năm 2024 sẽ tiếp tục cải thiện so với quý II, đạt khoảng 7,38% tính đến ngày 17 tháng 9, tăng từ 6% ở cuối quý II. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng này. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể, chủ yếu phụ thuộc vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán cũng dự kiến sẽ không đạt được mức tăng trưởng cao do thị trường chưa có tín hiệu tích cực. |