Dự phiên khai mạc có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Minh Hằng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Võ Văn Hoan - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cùng 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương, quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh.
Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: Nguyễn Lạc |
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đối thoại hữu nghị năm nay không chỉ là cơ hội để nhìn lại chặng đường hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương bạn bè trên khắp thế giới, mà còn là dịp để chúng ta các cùng nhau trao đổi, thảo luận và mở ra những chân trời hợp tác mới”.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, trong một thế giới đầy biến đổi và thách thức, mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác quốc tế không ngừng được củng cố chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về văn hóa, giáo dục và xã hội.
Với vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học xã hội và đầu mối giao lưu quốc tế của cả nước, TP. Hồ Chí Minh luôn là một thành phố năng động, sáng tạo và cởi mở, nơi những cơ hội hợp tác luôn rộng mở với các đối tác quốc tế.
"Chúng tôi kỳ vọng cuộc đối thoại lần này không chỉ giúp củng cố những mối quan hệ quốc tế sẵn có của TP. Hồ Chí Minh mà còn giúp xây dựng thêm nhiều đối tác mới, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp như công nghệ số, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh..." - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ đề của đối thoại hữu nghị năm nay không chỉ phù hợp với thời đại mà còn là một lời kêu gọi hành động - để đổi mới, hợp tác và xây dựng những nền kinh tế vững mạnh có thể phát triển trong một thế giới ngày càng kết nối và thay đổi nhanh chóng.
Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu. |
Theo ông Phan Văn Mãi, về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của thành phố. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030; qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
"Về xu hướng toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này" - ông Phan Văn Mãi nói.
Sự kiện có sự tham dự 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương, quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lạc |
Ông Phan Văn Mãi cũng cam kết, hướng tới tương lai, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thông qua Hội nghị Đối thoại hữu nghị 2024, việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.
Sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các địa phương quốc tế tại sự kiện Đối thoại Hữu nghị 2024 không chỉ là sự ủng hộ lớn lao đối với TP. Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện tình hữu nghị, niềm tin và quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trong tương lai. |